Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, biến mất hơn 50 năm bất ngờ "tái xuất"

Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, sự xuất hiện của loài động vật quý hiếm này được ghi lại.

Tờ People ngày 17/9 đăng tải thông tin về việc phát hiện loài vật quý hiếm sau hơn 50 năm "biến mất".

Theo đó, trong chuyến thám hiểm cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại dãy núi Nakanai (Papua New Guinea) vào tháng 3/2024, nhiếp ảnh gia Tom Vierus (Fiji) đã vô tình ghi lại được hình ảnh một con chim diều hâu New Britain - loài chim săn mồi thuộc danh sách loài đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Papua New Guinea.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, biến mất hơn 50 năm bất ngờ "tái xuất"- Ảnh 1.

Hình ảnh một con chim diều hâu New Britain ở Pomio, East New Britain (Papua New Guinea). Ảnh: Tom Vierus/WWF-PACIFIC/AFP

Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, sự xuất hiện của loài chim này được ghi lại.

Chim diều hâu New Britain chỉ được tìm thấy trên đảo New Britain của Papua New Guinea. Lông của chúng có màu xám với phần bụng dưới màu trắng và các điểm nhấn màu cam trên cổ. 

Đặc trưng nhận diện của chim diều hâu New Britain là đôi chân lớn, ngón chân giữa dài hơn phần còn lại. Bàn chân của chim diều hâu New Britain có màu vàng nhạt. Những con chim trưởng thành chỉ dài khoảng 27–34 cm.

Chim diều hâu New Britain sống trong rừng núi ẩm nhiệt đới đến cận nhiệt đới. Độ cao đạt tới 1.200 đến 1.800 m. Chim diều hâu New Britain làm tổ giống như các loài chim khác, nơi chúng nuôi con non. Người ta biết rất ít về loài này vì chúng rất hiếm và các khu vực mà chúng sinh sống vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ước tính có khoảng 2.500 - 10.000 con chim diều hâu New Britain trưởng thành trong tự nhiên, nhưng bản chất khó nắm bắt của loài chim này khiến các nhà khoa học khó xác nhận thông tin chi tiết.

Trên thực tế, chim diều hâu New Britain khác thường đến mức nhiếp ảnh gia Tom Vierus tại Fiji thậm chí ban đầu còn không phát hiện ra đã chụp được ảnh của loài chim này.

Trong một thông cáo của WWF, anh chia sẻ rất ngạc nhiên khi biết rằng đây dường như là bức ảnh đầu tiên về "loài mất tích" lâu nay.

"Thật bất ngờ khi bức ảnh này lại là hình ảnh đầu tiên về loài chim được cho là biến mất này! Điều đó cho thấy nhiếp ảnh bảo tồn có thể góp phần bảo vệ các khu vực bằng cách ghi lại sự đa dạng sinh học hiện có", nhiếp ảnh gia cho biết.

Loài vật quý hiếm bậc nhất thế giới, tưởng tuyệt chủng hơn 100 năm bất ngờ Loài vật quý hiếm bậc nhất thế giới, tưởng tuyệt chủng hơn 100 năm bất ngờ "tái xuất"ĐỌC NGAY

Theo ông John Mittermeier, giám đốc Cơ quan Tìm kiếm các loài chim mất tích, thuộc Tổ chức Bảo tồn chim (Mỹ), tài liệu khoa học gần đây về loài này dường như là một mẫu thu được từ năm 1969, hiện được lưu giữ tại một bảo tàng của Mỹ. 

Mặc dù đôi khi có những báo cáo cho thấy loài chim này tồn tại, nhưng diều hâu New Britain đã không xuất hiện trong các tài liệu ảnh, âm thanh và mẫu vật trong 55 năm qua.

WWF nhấn mạnh việc phát hiện ra diều hâu New Britain cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ khu vực trên khỏi các mối đe dọa như từ hoạt động khai thác gỗ và khai khoáng.

Được biết, sau phát hiện chấn động này, chính quyền địa phương đã đề nghị WWF mở rộng các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã tại Pomio, Đông New Britain. Martha Eimba, nhà quản lý cảnh quan Pomio của WWF-Papua New Guinea, cho biết WWF "đã bắt đầu quá trình hợp tác để hiểu rõ các mối đe dọa, cơ hội sinh kế và bối cảnh xã hội" nhằm bảo vệ các loài quý hiếm của Papua New Guinea và tạo ra một chương trình bảo tồn hiệu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên một loài động vật được tái phát hiện tại Papua New Guinea - nơi sở hữu "khu rừng nhiệt đới nguyên vẹn lớn thứ ba trên thế giới". 

Năm 2022, một loài bồ câu quý hiếm đã được chụp ảnh, đánh dấu lần đầu tiên loài chim này được ghi nhận sau 140 năm. Mittermeier cho rằng ghi nhận được hình ảnh chim bồ câu gáy đen là "khoảnh khắc trong mơ của bất kỳ nhà bảo tồn và người theo dõi chim nào".

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/loai-vat-quy-hiem-bac-nhat-hanh-tinh-bien-mat-hon-50-nam-bat-ngo-tai-xuat-a75156.html