Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Tp.HCM", chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại chính sách với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận Diễn đàn (Ảnh: VGP).
Thủ tướng cho biết, trong tổng thể chuyển đổi của Việt Nam thì có nội dung chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Về kết quả đã đạt được của Tp.HCM và Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, Thủ tướng nhắc đến một số con số như quy mô GDP năm 2023 đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới theo đánh giá của WB, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế, thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 4.300 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong 6 tháng năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%, ngay sau cơn bão Yagi, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục và dự kiến GDP cả năm đạt 7%.
Trong thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá Tp.HCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Thủ tướng tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực của Tp.HCM, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, Tp.HCM nhất định sẽ đạt được mục tiêu nói trên.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Muốn làm được điều này, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, mà trước hết là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua Tp.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này Tp.HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.
Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thể chế cùng Tp.HCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với Tp.HCM vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tp.HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của Tp.HCM và của Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trốn thuế…
Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ Tp.HCM và Việt Nam về: Ưu đãi tài chính; từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; góp phần đào tạo nhân lực; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thông minh; góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng cho rằng, trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua.
Điều quan trọng là các chủ thể cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cung làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
Thủ tướng tin tưởng sau Diễn đàn này, các đại biểu đều thu hoạch được nhiều điều, trong đó cái được lớn nhất là sự chân thành, tình cảm và tin tưởng để trao đổi thẳng thắn, góp ý với tinh thần xây dựng.
Thủ tướng đề nghị Tp.HCM và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nghiên cứu, rà soát các ý kiến, tham luận, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia, nhà khoa học để sớm giải quyết, xử lý và tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tphcm-ganh-vac-trong-trach-va-su-menh-trong-chuyen-doi-cong-nghiep-a75579.html