Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chủ trì phiên họp lần thứ 6 nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng.
Thủ tướng đánh giá, phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, yêu cầu của cuộc sống, lấy nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể để đưa phong trào đi vào cuộc sống.
Đồng thời, bám sát các đột phá, những việc khó khăn, phức tạp, những khâu yếu, những vấn đề bức xúc… để phát động và triển khai thi đua, hình thành xu thế, thúc đẩy phong trào, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân và hệ thống chính trị.
Công tác thi đua, khen thưởng có nơi còn chậm
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng nêu rõ, công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế.
“Nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng có nơi, có lúc còn chưa đúng tầm; trong triển khai các nhiệm vụ cụ thể, có nơi, có lúc còn chậm, lơ là, làm chưa đúng. Công tác đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua, đề xuất khen thưởng ở một số nơi chưa được chú trọng; công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế”, Thủ tướng nêu rõ.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng những tháng đầu năm 2023, Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, tiếp tục thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Càng khó khăn thì càng phải thi đua" để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.
Lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; phong trào thi đua phải hướng tới người dân và người dân tích cực tham gia phong trào thi đua; gắn kết chặt chẽ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích của mỗi người.
Tiếp tục hoàn thiện thế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, cần sự chung sức, đồng lòng và vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Cũng tại phiên họp, Hội đồng thống nhất xây dựng kế hoạch, triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân từ nay tới năm 2025, bố trí nguồn lực phù hợp trên cơ sở kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, người dân và xã hội, lồng ghép với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, Hội đồng khuyến khích các bộ, ngành, địa phương phát động, triển khai các phong trào thi đua theo chuyên đề, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng nơi.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thi đua khen thưởng, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Thực hiện Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến" giai đoạn 2022-2025; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt". Hết sức chú trọng công tác tuyên truyền trên không gian mạng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị "về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng"; Chỉ thị số 05của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; các phong trào thi đua yêu nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, trình Chính phủ ban hành 10 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tinh thần là cần khắc phục được tối đa các hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, khả thi trong áp dụng thực tiễn, theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong việc tham mưu và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, tránh hình thức, phô trương, tránh tiêu cực.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/bam-sat-cac-dot-pha-viec-kho-phuc-tap-trong-thi-dua-khen-thuong-a7660.html