Vì sao Ukraine liên tiếp tấn công các cây cầu huyết mạch tại Crimea?

Thời gian gần đây, Ukraine liên tiếp nhắm mục tiêu vào các cây cầu huyết mạch tại Crimea nhằm mục đích làm gián đoạn tuyến đường tiếp vận nhu yếu phẩm của Nga đến và đi từ bán đảo này.

Ý đồ của Kiev tấn công các cây cầu huyết mạch tại Crimea

Ukraine được cho là đã nhắm mục tiêu tấn công vào cầu Kerch – cây cầu duy nhất nối bán đảo Crimea với lục địa Nga vào ngày 12/8, trong một nỗ lực nhằm cô lập bán đảo này.

Vì sao Ukraine liên tiếp tấn công các cây cầu huyết mạch tại Crimea? - Ảnh 1.

Cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch bị hư hỏng trong vụ nổ ngày 8/10/2022. Ảnh: Reuters

Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu khu vực Crimea do Nga bổ nhiệm, ông Sergei Aksyonov cho biết, nước này đã bắn hạ 2 tên lửa của Ukraine tại Eo biển Kerch vào sáng sớm 12/8 (theo giờ địa phương). Vài giờ sau đó, một tên lửa khác đã bị đánh chặn trong khu vực này. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Kiev đã cố gắng tấn công cây cầu bằng tên lửa đất đối không đã được cải tiến.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn các nguồn tin cho biết cây cầu không bị hư hại và thiết bị tạo khói đặt trên cầu để ngăn chặn các cuộc tấn công đã được kích hoạt. Giới chức Ukraine hiện chưa đưa ra phản hồi trước cáo buộc của Nga.

Theo giới phân tích, mục tiêu của Ukraine tấn công một loạt cây cầu trọng yếu trên bán đảo Crimea thời gian gần đây là nhằm làm suy yếu sức mạnh Nga tại khu vực này khiến Moscow khó hỗ trợ các lực lượng đồn trú tại miền Nam. Với hy vọng đạt được bước đột phá lớn trên thực địa, Ukraine đã tìm cách đánh vào phía sau tiền tuyến của Nga bằng cách sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp.

Hồi đầu tháng 8, Kiev được cho là đã phóng tên lửa tầm xa bắn trúng hai cây cầu nối bán đảo Crimea với vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine – nơi quân đội Ukraine đang nỗ lực xuyên phá tuyến phòng thủ của Nga.

Bằng cách làm gián đoạn tuyến đường tiếp vận nhu yếu phẩm đến và đi từ bán đảo Crimea, Kiev hy vọng chiến thuật của nước này có thể khiến các lực lượng Nga đang đồn trú tại miền Nam Ukraine giảm hoạt động quân sự, buộc Moscow phải rút lui hoặc đàm phán và tạo điều kiện dễ dàng hơn để Ukraine giành lại quyền kiểm soát Crimea.

Song song với việc tấn công tuyến hậu cầu của Nga, Ukraine cũng đang nỗ lực làm suy yếu phòng tuyến kiên cố của Moscow ở miền Nam, vốn được dựng nên từ các bãi mìn, chiến hào, boong ke, các ụ răng rồng chống tăng bằng bê tông.

Ông Mykola Bieliesko Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev nhấn mạnh: “Khi Ukraine không đạt đủ bước tiến trên tiền tuyến, những cuộc tấn công này sẽ đóng vai trò rất quan trọng với chúng tôi. Mọi thứ đang trở nên phức tạp hơn và Kiev cố gắng tận dụng thời gian để giành lợi thế”.

Các lực lượng Ukraine tuyên bố đã giành quyền kiểm soát gần 250km2 lãnh thổ kể từ khi phát động cuộc phản công vào tháng 6/2023, nhưng hy vọng về một bước đột phá lớn ngày càng lu mờ khi họ phải đối mặt với các bãi mìn dày đặc và sức mạnh không quân của Nga.

Cách Nga làm suy yếu nỗ lực của Ukraine

Bán đảo Crimea dù chỉ có diện tích tương đương với bang Massachusetts của Mỹ song có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và quân sự. Kể từ khi giành quyền kiểm soát dải lãnh thổ dọc theo bờ biển phía Nam của Ukraine trong những ngày đầu cuộc chiến, Moscow đã tìm cách sử dụng tuyến đường hậu cần dọc theo “cầu đất liền” nối lục địa Nga đi qua các vùng lãnh thổ do nước này chiếm giữ ở Ukraine tới bán đảo Crimea. Đây cũng là khu vực Moscow tập trung phòng thủ mạnh nhất.

Nhưng việc Mỹ cung cấp cho Kiev pháo tầm xa vào năm 2022 đã khiến phần lớn khu vực này nằm trong tầm tấn công của Ukraine. Điều đó buộc Moscow phải phụ thuộc nhiều hơn vào các tuyến đường chạy qua vùng đầm lầy nối giữa “cầu đất liền” vào Crimea.

Cuối tuần qua, Nga cáo buộc Ukraine phóng một loạt tên lửa Storm Shadow vào hai cây cầu nối bán đảo Crimea với tỉnh Kherson. Tỉnh trưởng Kherson do Nga bổ nhiệm - ông Vladimir Saldo nói rằng, cuộc tấn công đã làm hư hỏng 2 cây cầu bắc qua eo biển Chongar (cầu Chongar) và eo biển Tonkiy (cầu Genichesk). Cầu Chongar là tuyến đường trực tiếp kết nối trung tâm hậu cần của Nga ở thành phố Dzhankoi, thuộc Crimea và tiền tuyến tại Zaporizhzhia.

Ông Vladimir Saldo cho biết, cuộc tấn công chủ yếu gây gián đoạn giao thông của các phương tiện dân sự còn hoạt động của quân đội Nga không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cây cầu bị hư hại sẽ buộc các đoàn xe quân sự của Nga phải sử dụng một tuyến đường dài hơn kết nối bán đảo Crimea với khu vực mà Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine.

Ông Oleksiy Melnyk, cựu trung tá lực lượng không quân Ukraine và hiện là cố vấn tại Trung tâm Razumkov ở Kiev cho rằng, tuyến đường thay thế gần Armyansk dài hơn 120 km, có thể khiến các đoàn xe của Nga phải mất thêm 3 tiếng đồng hồ để đi tới tiền tuyến. Đáng chú ý, con đường này chạy qua các cứ điểm của Ukraine ở bờ tây sông Dnipro vì thế dễ nằm trong tầm bắn của pháo binh.

Nga có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách sử dụng những con đường làng nhỏ ở phía Đông Bắc nhưng điều này sẽ khiến họ phải di chuyển chậm hơn, thậm chí đòi hỏi nỗ lực hỗ trợ hậu cần phức tạp hơn.

Trước đó vào tháng 6 cũng đã xảy ra một cuộc tấn công vào cây cầu này, khiến đoàn xe hậu cần của Nga mất thêm ít nhất 50% thời gian để đến mặt trận bằng các tuyến đường khác. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, trong vòng 24 giờ sau cuộc tấn công, Nga đã nhanh chóng xây dựng một cây cầu phao để chứng minh nỗ lực phản ứng nhanh của nước này.

Ông Trent Telenko, cựu quan chức tại Cơ quan quản lý hợp đồng quốc phòng của Lầu Năm Góc, người đã nghiên cứu về hậu cần quân sự của Nga, cho rằng, các cuộc tấn công của Ukraine đang gây áp lực đối với nguồn cung cấp nhiên liệu và vũ khí Nga. Theo ông Telenko, trong thời gian tới, Kiev có thể tăng cường nhắm mục tiêu vào các tuyến phà, sà lan và đường sắt của Nga.

Tuy vậy, Moscow nhiều lần tuyên bố đã kích hoạt các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ để chặn đứng các cuộc tấn công của Ukraine vào các căn cứ quân sự và tài sản quan trọng ở Crimea. Nga đã triển khai một hệ thống phản radar hoạt động như mồi nhử để làm chệch hướng bất kỳ tên lửa dẫn đường nào nhắm vào các cây cầu thiết yếu tại Crimea. Ở khu vực xung quanh, Hải quân Nga được cho là đã thả cá heo nghiệp vụ để bảo vệ Hạm đội Biển Đen của họ tại Sevastopol, nhằm phát hiện đặc công nước của đối phương.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/vi-sao-ukraine-lien-tiep-tan-cong-cac-cay-cau-huyet-mach-tai-crimea-a7681.html