Tên lửa Launch Vehicle Mark-III M4 mang tàu vũ trụ Chandrayaan-3 cất cánh từ bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ. Ảnh: PTI
Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), bên cạnh cuộc chạy đua vũ trang và cuộc chạy đua công nghệ, thế giới còn có một cuộc chạy đua vào không gian, cụ thể là hạ cánh xuống Mặt trăng, hiện đang diễn ra giữa Ấn Độ và Nga, cùng với sự tham gia của Trung Quốc và Mỹ.
Vào sáng ngày 11/8, Nga đã khởi động sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên sau gần nửa thế kỷ. Tàu vũ trụ Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny bằng tên lửa Soyuz. Yuri Borisov - người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos - sau đó cho biết: "Vụ phóng đã thành công."
Tàu vũ trụ của Nga đang cạnh tranh với tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ, vốn đã quay quanh Mặt trăng và gần đây đã gửi về Trái đất những hình ảnh về bề mặt Mặt trăng.
Theo Firstpost, vì các cơ quan vũ trụ của cả hai nước này đều cố gắng tiếp cận Mặt trăng trước, điều thú vị cần lưu ý là cả hai đều đang nhắm đến việc hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng và vinh dự là quốc gia đầu tiên hạ cánh một con tàu vũ trụ xuống hoặc gần khu vực này.
Chandrayaan-3 vs Luna-25
Vào lúc 4 giờ sáng ngày 11/8, Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos đã khởi động sứ mệnh Luna-25 từ sân bay vũ trụ Vostochny; đây là sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Moscow kể từ năm 1976.
Theo hãng tin AP, tàu vũ trụ của Nga sẽ tới Mặt trăng trong khoảng 5,5 ngày, nơi nó sẽ trải qua 3 đến 7 ngày trong quỹ đạo 100 km trước khi hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng. Điều này có thể có nghĩa là Luna-25 sẽ hạ cánh vào ngày 23/8, cùng ngày mà Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) dự định hạ cánh Chandrayaan-3.
Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b và tàu vũ trụ Luna-25 phóng từ bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông Amur, Nga. Ảnh: Reuters
Theo Firstpost, nếu Nga có thể hạ cánh thành công Luna-25 xuống Mặt trăng vào ngày 23/8, thì họ cũng đã hoàn thành sứ mệnh nhanh hơn. Điều này là do trong khi Luna-25 cất cánh vào ngày 11/8, thì Chandraayan-3 đã cất cánh từ Sriharikota (Ấn Độ) vào ngày 14/7.
Tuy nhiên, Roscosmos đảm bảo rằng hai sứ mệnh sẽ không ảnh hưởng lẫn nhau, vì đã được lên kế hoạch tại các khu vực hạ cánh riêng biệt. Roscosmos tuyên bố: "Không có nguy cơ chúng ảnh hưởng lẫn nhau hoặc va chạm. Có đủ không gian cho mọi người trên Mặt trăng."
Theo Firstpost, đáng chú ý là Nga và Ấn Độ đang nhắm đến việc hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng - điều mà các sứ mệnh của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Israel đã né tránh trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, đối với Nga, sứ mệnh này không chỉ là danh tiếng trong không gian. Vitaly Egorov - một nhà phân tích vũ trụ nổi tiếng của Nga - nói với hãng thông tấn Đức DW rằng: "Nghiên cứu về Mặt trăng không phải là mục tiêu. Mục tiêu là cạnh tranh chính trị giữa hai siêu cường — Trung Quốc và Mỹ — và một số quốc gia khác cũng muốn khẳng định danh hiệu siêu cường không gian."
Asif Siddiqi - giáo sư lịch sử tại Đại học Fordham (Mỹ) - cũng có quan điểm tương tự. Ông nói với DW: "Lần cuối cùng [hạ cánh xuống Mặt trăng] là vào năm 1976 nên có rất nhiều thứ phải làm. Khát vọng của Nga đối với Mặt trăng được kết hợp trong rất nhiều thứ khác nhau. Tôi nghĩ trước hết, đó là sự thể hiện sức mạnh quốc gia trên trường quốc tế."
Lần đầu tiên của nhân loại
Theo Firstpost, cả Chandrayaan-3 và Luna-25 đều đang cố gắng trở thành đại diện đầu tiên của nhân loại hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng.
Tất cả các tàu vũ trụ khác đã hạ cánh trên Mặt trăng đều hạ cánh ở khu vực xích đạo Mặt trăng, một vài độ vĩ độ bắc hoặc nam của đường xích đạo Mặt trăng. Tờ Indian Express cho biết, tàu vũ trụ đã đi xa nhất tính từ đường xích đạo Mặt trăng là Surveyor 7, do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng, đã hạ cánh xuống Mặt trăng vào ngày 10/1/1968. Tàu vũ trụ này đã hạ cánh gần vĩ độ 40 độ nam.
Tháng 4/2019, Israel đã phóng tên lửa về phía Mặt trăng, cố gắng hạ cánh xuống cực nam, nhưng nó đã bị rơi.
Nhiều quốc gia đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Mặt trăng. Tuy nhiên, Ấn Độ và Nga hiện đang chạy đua với nhau để trở thành đại diện đầu tiên của nhân loại hạ cánh xuống cực nam của bề mặt mặt trăng. Ảnh: PTI
Ngay cả tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ - được phóng vào năm 2019 - đã định hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng, nhưng tàu đổ bộ mang theo xe tự hành đã đâm vào Mặt trăng trong những khoảnh khắc cuối cùng. Sau đó, người ta tiết lộ rằng, sự cố là do lỗi phần mềm.
Vào năm 2019, tàu vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh ở phía xa của Mặt trăng (phía không đối diện với Trái đất), đã hạ cánh gần vĩ độ 45 độ.
Artemis III của NASA, dự kiến ra mắt vào năm 2025, cũng đang cố gắng khám phá khu vực gần cực nam của Mặt trăng.
Niềm đam mê với cực nam của Mặt trăng
Cực nam của Mặt trăng từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và chuyên gia vũ trụ. Trước đây, NASA từng cho biết: "Các điều kiện khắc nghiệt, tương phản khiến nó trở thành một địa điểm đầy thách thức đối với cách người Trái đất hạ cánh, sinh sống và làm việc. Nhưng những đặc điểm độc đáo của khu vực đó hứa hẹn về những khám phá khoa học không gian sâu chưa từng có, có thể giúp chúng ta tìm hiểu về nơi ở của mình trong vũ trụ và phiêu lưu xa hơn vào hệ mặt trời."
Các chuyên gia lưu ý rằng, có khả năng có sự hiện diện của nước ở cực nam của Mặt trăng. Girish Linganna - chuyên gia hàng không vũ trụ cho biết, băng nước đã được phát hiện ở cả hai cực của Mặt trăng. Cực nam có nhiều diện tích hơn trong bóng tối vĩnh viễn và nhiệt độ lạnh hơn, vì vậy nó được cho là có nhiều băng nước hơn.
Khám phá cực nam của Mặt trăng không hề dễ dàng. Địa hình hiểm trở và nhiệt độ thấp cũng là một vấn đề. Ảnh: Reuters
Hơn nữa, cực nam của Mặt trăng có nhiệt độ cực kỳ lạnh; điều này có nghĩa là bất cứ thứ gì bị mắc kẹt ở đây sẽ đóng băng toàn thời gian mà không trải qua nhiều thay đổi. Do đó, đất đá ở khu vực đó có thể cung cấp manh mối cho hệ mặt trời sơ khai.
Linganna giải thích thêm rằng, cực nam của Mặt Trăng nằm trong lưu vực Nam Cực - Aitken, là một miệng núi lửa khổng lồ. "Điều này làm cho cực nam Mặt trăng trở thành một địa điểm thú vị về mặt địa chất… Cực nam Mặt trăng cũng là một nơi hứa hẹn hơn để tìm kiếm băng hơn là cực bắc", ông nói.
Tuy nhiên, việc khám phá cực nam của Mặt trăng không hề dễ dàng. Địa hình hiểm trở và nhiệt độ thấp cũng là một vấn đề. Một số phần của cực nam nằm trong vùng tối hoàn toàn, nơi ánh sáng mặt trời không xuyên qua được. Ngoài ra, nhiệt độ là dưới 230 độ C. Việc thiếu ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cực thấp gây khó khăn cho việc vận hành các thiết bị. Ngoài ra, còn có các miệng núi lửa lớn ở cực nam của Mặt trăng, một số có kích thước vài cm, trong khi một số khác lớn tới vài nghìn km.
Ngay cả một cựu giám đốc ISRO cũng đã nhấn mạnh một số lo ngại về việc hạ cánh xuống cực nam của bề mặt Mặt trăng trong sứ mệnh Chandrayaan-2, nói rằng sẽ có "15 phút kinh hoàng" đối với cơ quan vũ trụ trước khi hạ cánh.
Cuộc đua không gian đang nóng lên
Theo Firstpost, ngoài Ấn Độ và Nga, còn có những quốc gia khác cũng đang hướng tới Mặt trăng. Chương trình Artemis của NASA cũng đang lên kế hoạch cho các sứ mệnh Mặt trăng đang diễn ra. Artemis 1 - một chuyến bay thử nghiệm không người lái – đã quay quanh và bay trên Mặt trăng vào cuối năm 2022. Các sứ mệnh Artemis trong tương lai dự kiến sẽ được tăng cường tới Mặt trăng.
Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu cũng đang hướng tới việc thiết lập một căn cứ lâu dài với sự hiện diện của con người tại khu vực cực nam của Mặt trăng.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tau-vu-tru-an-do-vs-tau-vu-tru-nga-tai-sao-cuc-nam-cua-mat-trang-lai-hap-dan-den-vay-a7708.html