Đưa nhiều giống trái cây trồng trên vùng đất sỏi đá
Dù đã ở tuổi 68, ông Trần Văn Khuông (trú tại thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vẫn không ngừng sáng tạo trong sản xuất và say mê với những cánh đồng trái cây bạt ngàn của gia đình. Câu chuyện làm giàu của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người dân địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, ông Khuông đã lên đường nhập ngũ vào năm 1974 theo tiếng gọi của Tổ quốc và tham chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Trong một lần đang đi chiến đấu, ông không may bị thương ở chân trái. Kể từ đó, bước chân của ông trở nên khập khiễng.
Trở về quê hương vào năm 1984, ông Khuông lập gia đình và xây dựng tổ ấm cho riêng. Năm 1998, với khát vọng thay đổi số phận, ông quyết định cùng gia đình rời quê hương Nam Định để vào xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) lập nghiệp, hy vọng tìm kiếm những cơ hội mới cho cuộc sống.
Tại vùng đất mới, ông dành dụm từng đồng tiền, mua được 19ha đất rẫy để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do chưa nắm được thổ nhưỡng và thiếu kinh nghiệm nên những năm đầu, gia đình ông chỉ trồng các loại cây hoa màu như đậu, bắp, mì. Với đất đai nhiều sỏi đá, năng suất thấp, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
Năm 2001, ông Trần Văn Khuông quyết định lên đường đến các tỉnh miền Tây và Đồng Nai, nơi nổi tiếng với những cánh đồng trái cây bạt ngàn. Tại đây, ông lang thang khắp các vùng sông nước, tìm hiểu cách bà con phát triển cây ăn trái.
Trong suốt những ngày tháng khám phá miền Tây, ông nhận thấy nhiều loại cây ăn trái như xoài, na, và mít Thái không chỉ đạt năng suất cao mà còn mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân. Những hình ảnh của những vườn cây trĩu quả và niềm vui của bà con nơi đây đã thôi thúc ông trở về quê hương với một quyết tâm mới.
Trở về Đắk Gằn, ông Khuông quyết định mua giống cây ăn trái từ các tỉnh miền Tây mà mình đã nghiên cứu, mang về trồng với mong muốn thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp của gia đình mình.
Với tinh thần quyết tâm và sự kiên trì, ông Khuông đã bắt tay vào trồng những loại cây ăn trái mà mình nghiên cứu trên vùng đất rẫy bạt ngàn sỏi đá. Quyết định này không chỉ mở ra hướng đi mới cho kinh tế gia đình mà còn khẳng định sức mạnh của việc học hỏi và đổi mới trong sản xuất nông nghiệp.
Thu quả ngọt
Đến nay, trên diện tích đất của gia đình, ông đã trồng xen lẫn 28 loại cây ăn trái và cây công nghiệp, như mít Thái, na Thái, xoài, cóc Thái, chôm chôm, bơ, sầu riêng, nhãn, dừa, chanh, hồ tiêu, cà phê, cau...
Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 100 tấn mít Thái, 10-15 tấn na Thái, và 80-90 tấn xoài, cùng với nhiều loại cây ăn trái khác cho thu hoạch quanh năm.
"Có những năm, xoài có giá lên đến 48.000 đồng/kg, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng cải thiện", ông Khuông chia sẻ.
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất, ông đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ 19ha rẫy và múc một hồ chứa nước diện tích 3.000m². Tại hồ, ông tận dụng hồ nước, thả cá nuôi, mỗi năm thu về từ 250-300 triệu đồng từ bán cá. Không chỉ vậy, ông còn kết hợp chăn nuôi heo, gà và vịt xiêm, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng.
Với việc trồng nhiều loại cây và chăn nuôi, tổng thu nhập trung bình của gia đình ông đạt từ 1,8-2 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi trừ các loại chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng. "Quanh năm, tôi luôn có thu nhập, cuộc sống gia đình luôn đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, việc trồng cây ăn trái cũng nhàn hơn so với các loại cây trồng khác", ông cho biết.
Ngoài việc cải thiện kinh tế gia đình, ông Khuông còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Để minh chứng cho những thành quả mình đã đạt được, ông dẫn chúng tôi đến cánh đồng trái cây chỉ cách nhà chưa đầy nửa ki-lô-mét.
Dừng lại trước cánh cổng dẫn vào vườn, ông tự hào nói: "Đây chính là thành quả sau nhiều năm tôi đổ mồ hôi, bán lưng cho đất, bán mặt cho trời trên vùng đất nhiều sỏi đá". Dứt lời, ông chỉ cho chúng tôi con đường bê tông dài ngun ngút chạy qua khu vườn, là tuyến đường mới được thi công để thuận lợi cho việc chăm sóc và vận chuyển nông sản.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây na Thái, ông Khuông nhấn mạnh: "Bà con không được tưới nước cho cây na vào mùa khô. Khi cây rụng lá để ngủ, nếu tưới nước, nó sẽ ra bông và đậu trái vào mùa khô, dẫn đến mất mùa. Vì vậy, ở những vùng đất không có nước, cây na Thái là lựa chọn lý tưởng". Ông cũng khuyên bà con nên tìm mua giống chất lượng để tránh phải chặt bỏ khi không đạt hiệu quả.
Ông Khuôn còn tiết lộ: "Xã Đắk Gằn là vùng đất có nhiều đá, những vùng thấp lại bị sình lầy. Do đó, bà con không nên sử dụng nhiều phân hóa học, mà nên dùng phân gà đã qua chế biến và phân vi sinh. Điều này giúp cây phát triển xanh tốt quanh năm và cho trái ngọt. Bằng chứng là mít, na, xoài, chôm chôm của gia đình tôi trồng không chỉ đạt trọng lượng mà còn rất ngọt, kể cả vào mùa mưa".
Ông cũng chia sẻ về cách sử dụng phân lân Lâm Thao: "Khi sử dụng, không được pha vào phân khác và chỉ bón một lần mỗi năm. Nếu bón quá nhiều, đất sẽ nổi phèn, ảnh hưởng đến trái cây. Đồng thời, trước khi trồng cây, ông khuyên bà con nên khử trùng hố để tránh nhiễm vi khuẩn vào rễ".
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Khuông còn cung cấp giống cây ăn trái cho nhiều hộ dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nông sản trong vùng. Đồng thời, hỗ trợ hàng chục gia đình nghèo bằng cây giống, con giống và kỹ thuật chăm sóc, giúp bà con tăng năng suất, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn thông tin, ông Trần Văn Khuông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Thời gian qua, ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và luôn đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ trồng các loại cây ăn trái, ông còn kết hợp chăn nuôi đa dạng, mang lại thu nhập đáng kể. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên hầu như mô hình nào ông triển khai cũng thành công.
Thời gian qua, ông Khuông còn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nhiều hội viên Hội Người cao tuổi trong xã, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Những nỗ lực của ông không chỉ giúp bà con cải thiện thu nhập mà còn tạo ra động lực mới cho phong trào phát triển nông nghiệp tại địa phương.