Nguy kịch vì nhiễm uốn ván từ vết thương nhỏ
Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân nhiễm uốn ván từ những vết thương hở ở tay, chân, tai nạn trong quá trình lao động, sinh hoạt như bị dao cứa, dẫm phải đinh nhọn, sắt, thép, va chạm vào các dị vật bẩn, hoặc tay chân đang có vết thương hở lại dầm trong nước bẩn, tiếp xúc với bùn đất bẩn...
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani sống ở môi trường đất bẩn xâm nhập vào cơ thể, trong điều kiện yếm khí (miệng vết thương bị bịt kín) vi khuẩn sẽ sản sinh ra ngoại độc tố.
Triệu chứng uốn ván là sau khi bị vết thương khoảng 1-2 tuần bệnh nhân sẽ có biểu hiện sớm là cứng hàm, khó nhai, khó nuốt, sau đó sẽ cứng cơ, tăng trương lực cơ toàn thân, mức độ nặng sẽ có biểu hiện co giật, toàn thân uốn cong, kèm theo khó thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật. Nếu không xử trí kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực thì nhanh chóng dẫn tới tử vong hoặc có nhiều biến chứng trên các hệ tim mạch, hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, xương khớp.
Theo ông Cường, đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh uốn ván là những người nông dân, công nhân chưa được tiêm phòng uốn ván và tiếp xúc nhiều với đất, bùn, nước thải, môi trường chăn nuôi gia súc gia cầm, công trường; trẻ sơ sinh mà trong thời kỳ mang thai mẹ không tiêm phòng uốn ván hoặc có thể bị lây truyền qua dụng cụ y tế không tiệt trùng khi cắt dây rốn cho trẻ…
Theo khuyến cáo của PGS Đỗ Duy Cường, để phòng chống bệnh uốn ván, trước hết tiêm phòng vaccine, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao. Trẻ em phòng bệnh uốn ván từ 2 tháng tuổi với liều vaccine 6/1 (cần theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan y tế). Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng uốn ván vào đúng thời điểm thai kỳ.
Điều đáng chú ý nữa là khi bị thương, trầy xước thì ngay lập tức sát trùng vết thương đúng cách, tránh bịt kín vết thương và đến cơ sở y tế để được tiêm phòng kháng huyết thanh uốn ván kèm xử lý vết thương bằng cách cắt lọc tổ chức hoạt tử, dập nát, loại bỏ dị vật, rửa ô xy già.
Khi lao động, sinh hoạt cần chế tiếp xúc với bùn đất, vật dụng ô nhiễm, nếu phải tiếp xúc cần có biện pháp bảo hộ như đi ủng, găng tay... Tại các nông trại, công trường cần có các chất tiệt trùng để sơ cứu như xà phòng, nước rửa tay sát trùng, cồn y tế và thường xuyên vệ sinh môi trường, chuồng trại…
Một dấu hiệu cảnh báo 3 bệnh ung thư
Theo Mirror, có 3 loại ung thư gây ra cơn cơ giật. Tiến sĩ người Anh Monika Wassermann giải thích: "Cơn co giật chủ yếu phát sinh từ bệnh động kinh nhưng một khối u não cũng kích thích các tế bào thần kinh của não và gây ra cảm giác ngứa ran, co giật hoặc co cơ. Nếu một khối u phát triển ở thùy chẩm, thùy thái dương hoặc thân não, người bệnh hay giảm thị lực, nhìn 1 hóa 2. Một dấu hiệu khác của loại u này là co giật mắt".
Các triệu chứng xảy ra khi khối u bắt đầu đè lên não, ngăn chặn hoạt động bình thường của não. Khi khối u lan đến thùy thái dương, thùy trán và thùy đỉnh sẽ gây ra các vấn đề về giọng nói, liên quan đến chức năng nhận thức. Tiến sĩ Wassermann nói thêm: "Thùy trán chịu trách nhiệm cho các chức năng ra quyết định, giải quyết vấn đề, tập trung và tốc độ suy nghĩ".
Các loại ung thư máu, chẳng hạn như u tủy và bệnh bạch cầu, có thể di căn đến xương sống. Điều này thường xảy ra khi khối u ác tính bắt nguồn từ các tế bào bạch cầu hoặc tế bào plasma bên trong tủy xương.
Khi ung thư di căn đến cột sống, bệnh nhân có nguy cơ mất ý thức hoặc loạn trương lực cơ, dẫn tới các cơn co giật hoặc giãn cơ không thường xuyên, mất hoàn toàn khả năng kiểm soát các chức năng của cơ thể.
Ngoài ra, một khối u đôi khi đè lên mạch máu hoặc tiếp xúc với xương, khiến xương giãn ra. Nếu tủy sống bị ảnh hưởng, các vấn đề có thể phát sinh ở cơ, chẳng hạn như co thắt các mô cơ ở chân. Một số loại ung thư di căn đến tủy sống bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư vú.
Dịch vụ Y tế Anh cho biết những cơn co giật khá phổ biến, rất hiếm khi là dấu hiệu của bất kỳ điều gì nghiêm trọng và thường tự biến mất. Nhưng bạn nên đi khám bác sĩ nếu cơn co giật kéo dài hơn 2 tuần.
Theo Cleveland Clinic, co giật mí mắt cũng có khả năng báo hiệu một điều gì đó nghiêm trọng. "Giật mắt thường là một phiền toái nhỏ biến mất nhanh như khi xuất hiện. Thông thường, đó chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn cần dành thời gian để giải tỏa căng thẳng. Trong những trường hợp rất hiếm hoi, giật mí mắt cảnh báo điều gì đó nghiêm trọng", chuyên gia của Cleveland Clinic giải thích.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn thức ăn để qua đêm?
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa sáng rất quan trọng, chiếm 30-40% tổng năng lượng trong ngày. Ăn sáng khoa học giúp bảo vệ đường tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
Nhiều gia đình không có thời gian chuẩn bị bữa sáng nên thường hâm nóng lại đồ ăn từ tối hôm trước. Nhìn chung, thói quen này không có lợi cho sức khỏe. Các món ăn khi đun nấu lại sẽ mất chất dinh dưỡng, nhiều thực phẩm còn dễ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.
Một số món như cá, thịt rán bị khô và hao hụt dinh dưỡng, chưa kể còn ngấm thêm dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe. Hoặc cơm trắng, nếu hâm lại, dù không ôi thiu nhưng cũng không còn thơm ngon. Đặc biệt, các món canh, sốt hay xào chế biến cùng các loại rau không nên để qua đêm vì dễ gây hại.
T.M (tổng hợp)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tin-tuc-doi-song-810-mot-dau-hieu-canh-bao-3-benh-ung-thu-a77344.html