Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan tại S.t Petersburg, Nga ngày 16/6/2023. Ảnh: AFP
Theo mạng tin về Trung Đông và Bắc Phi MEE (middleeasteye.net) mới đây, trong khi Saudi Arabia tiến hành cắt giảm sản lượng dầu và Nga tiếp tục cung cấp dầu thô để đáp ứng nhu cầu từ cuộc xung đột ở Ukraine, thì một quốc gia đang âm thầm "giành chiến thắng" trên thị trường dầu mỏ: Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Vào tháng 6, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và một liên minh các nhà sản xuất dầu do Nga đứng đầu, được gọi là OPEC+, gặp nhau để xác định chính sách năng lượng, UAE đã đạt được mục tiêu dài hạn là tăng sản lượng khai thác dầu thô của họ.
Việc sửa đổi tăng hạn ngạch của UAE sẽ đưa sản lượng của nước này tăng thêm 200.000 thùng mỗi ngày (bpd) vào năm 2024, lên 3,2 triệu thùng. Điều đó diễn ra khi giá dầu phục hồi mạnh mẽ vào mùa hè này, với dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, chạm mức 80 USD/thùng.
Ellen Wald, người sáng lập công ty tư vấn năng lượng Transversal Consulting nói: “Việc tăng hạn ngạch sản xuất của UAE phần nào không được chú ý, nhưng đó là một chiến thắng lớn cho nước này. Trong số tất cả các thành viên OPEC+, UAE ở vị thế rất tốt".
Như vậy, UAE đã loại trừ khả năng cắt giảm sản lượng, ngay cả khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng nhằm tăng giá dầu thô. Tuần trước, Saudi Arabia đã tái khẳng định cắt giảm nguồn cung, kéo dài việc cắt giảm sản lượng một triệu thùng dầu mỗi ngày sang tháng 9 năm nay.
“Saudi Arabia đang cắt giảm ồ ạt và Nga cũng cho biết đang cắt giảm, trong khi UAE chỉ thực hiện ở mức tối thiểu. Kết quả là Saudi Arabia đang làm tất cả công việc nặng nhọc và UAE có giá dầu cao hơn 15% so với một tháng trước. Xét theo mọi khía cạnh, UAE là người chiến thắng lớn trong mùa hè này", Viktor Katona, trưởng bộ phận phân tích tại Kpler, nhận định.
Saudi Arabia đang chịu áp lực cắt giảm dầu, trong một nỗ lực để nâng giá, trong bối cảnh dầu mỏ của Nga tràn ngập thị trường khi nước này tăng cường bán dầu thô sang châu Á và tiến dần đến vị trí hàng đầu với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+.
Nhưng những lợi ích "thầm lặng" của UAE trong liên minh dầu mỏ nhấn mạnh một thách thức khác đối với Saudi Arabia, lần này là với một đồng minh được cho là đang ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh địa chính trị và kinh tế.
Trong nhiều năm, Saudi Arabia và UAE đã "cùng phe" trong các vấn đề chính sách đối ngoại gai góc nhất ở Trung Đông.
Khi Mùa xuân Arập tấn công khu vực một thập kỷ trước, hai đối tác an ninh của Mỹ trên đã hợp tác để đẩy lùi các phong trào biểu tình mà họ coi là mối đe dọa đối với sự cai trị của mình. Họ đã hợp lực để phong tỏa nước láng giềng vùng Vịnh, Qatar, ủng hộ Tướng Khalifa Haftar ở Libya, và hỗ trợ cho các chiến binh đang tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Cả hai đã gửi quân đến tham chiến trong một cuộc xung đột đẫm máu ở Yemen chống lại quân nổi dậy được cho là liên kết với Iran.
Nhưng những rạn nứt hiện đang nổi lên giữa các lãnh đạo của Saudi Arabia và UAE: Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan. Theo tờ Wall Street Journal, Thái tử Saudi Arabia đã đe dọa phong tỏa UAE vào cuối năm ngoái.
Mặc dù UAE đã rút khỏi cuộc chiến ở Yemen vào năm 2019 nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ một nhóm ly khai ở miền Nam Yemen, vốn thường xuyên đụng độ với các lực lượng được Saudi Arabia ủng hộ. Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận hiện do Saudi Arabia hậu thuẫn.
Sự khác biệt giữa Riyadh và Abu Dhabi về chính sách dầu mỏ bùng phát vào năm 2021, khi UAE tổ chức một cuộc họp của OPEC+ về những chỉ trích rằng họ có ít cơ sở để tính toán sản lượng dầu được phép của mình.
“Yemen chỉ là một điểm khác biệt về chính sách giữa UAE và Saudi Arabia. Năng lượng cũng là một vấn đề giữa hai bên”, Greg Priddy, nhà tư vấn tại Spout Run Advisory có trụ sở tại Mỹ và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington, DC, nói.
UAE, giống như Saudi Arabia, đã đầu tư mạnh vào ngành năng lượng của mình để sản xuất nhiều dầu thô hơn. Đến năm 2027, họ muốn tăng năng lực sản xuất từ 4,5 triệu thùng/ngày lên 5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Saudi Arabia đang muốn thắt chặt nguồn cung để nâng giá, đặc biệt là khi nước này muốn dồn doanh thu từ dầu mỏ vào các siêu dự án như phát triển đảo Neom và Biển Đỏ, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong thời gian dài. Ngược lại, UAE muốn bơm dầu thô ngay bây giờ khi nhu cầu cao, nhằm hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nuoc-nao-huong-loi-nhat-khi-saudi-arabia-cat-giam-san-luong-dau-a7748.html