Nói về giấc mơ trở thành "vua điều", anh Trần Văn Sơn, SN 1985, tại huyện Đông Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại Bình Phước, nơi mệnh danh là thủ phủ của cây điều. Tuổi thơ của anh gắn liền với sự sinh trưởng của cây điều, những mùa điều ra hoa, kết quả. Ký ức gắn với những buổi chiều cùng mẹ đi nhặt hạt điều.
"Từ bé tới lớn, tôi luôn nghĩ mình sẽ sống với điều và chết cùng điều", anh Trần Văn Sơn tâm sự.
Khi trưởng thành, anh chọn ngành Kỹ sư dầu khí để theo học tại một trượng Đai học, nhưng khi ra trường, anh lại đau đáu với giấc mơ "vua điều" trên quê hương mình, nên sau bao ngày trăn trở anh đã bỏ việc phố trở về Bình Phước để bắt tay xây dựng thương hiệu hạt điều.
Tiếp tục câu chuyện thực hiện giấc mơ "vua điều", anh Sơn cho biết, trước nay, doanh nghiệp luôn phải đi mua điều ở các nước như Campuchia, châu Phi để có đủ nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó, chất lượng hạt điều các nước này không bằng Việt Nam. Điều anh trăn trở là Bình Phước không thể đủ nguyên liệu phục vụ đơn hàng sản xuất lớn.
Anh Sơn chia sẻ, anh vừa xây dựng nhà máy trên diện tích 20.000 m2, vốn đầu tư 6,5 triệu USD. Đây là một trong chuỗi kế hoạch thực hiện giấc mơ "vua điều".
Cũng theo anh Sơn, cùng với xây dựng vùng nguyên liệu này, kỹ sư dạy người dân canh tác vật nuôi, cây trồng dưới tán cây điều để tăng thu nhập. Anh cũng đã có được 26 ha tại Ninh Thuận để chuẩn bị cho việc xây dựng cụm công nghiệp chuyên chế biến hạt điều.
"Đây là kế hoạch của tôi tới năm 2025, còn 5 năm tiếp theo, tôi cần phải xây dựng thêm 1.000 ha vùng nguyên liệu, đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất chuyên sâu, bài bản. Có như vậy mới đủ tiêu chuẩn để tôi thực hiện giấc mơ "vua điều", anh Sơn nói.
Năm 2023, nhờ đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn trong tất cả các khâu sản xuất và sản phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất, phẩm màu độc hại hay các chất bảo quản, sản phẩm hạt điều của Công ty anh đã vinh dự nhận Giải thưởng Thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Thành công từ giấc mơ "vua điều", anh Trần Văn Sơn cho biết, năm 2023, doanh thu công ty của anh đạt trên 10 triệu USD, tương đương 250 tỷ đồng, theo báo Đầu tư.
Chinh phục thị trường thế giớiCũng thành công với giấc mơ "vua điều", từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ trong nước, chủ yếu bán nguyên liệu thô, nhưng với quyết tâm phát triển và chinh phục thị trường thế giới, từ năm 2016, anh Lưu Hoàng Sơn (ở phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại như máy tách nhân công suất lớn, lò rang, hệ thống máy đóng gói.
Đây cũng là bước ngoặt giúp sản phẩm hạt điều ra đời và chinh phục thị trường trong nước, đặc biệt tại các chuỗi siêu thị lớn như Big C, WinMart và MM Mega Market, theo Dân việt.
Đến nay, tổng số vốn của Công ty anh đã lên con số gần 28 tỷ đồng, diện tích nhà máy sản xuất là 3.000 m2 với công suất trung bình đạt 1.100 – 1.600 tấn thành phẩm/năm. Với doanh thu ấn tượng đạt hơn 16,6 tỷ đồng vào năm 2023.
Cùng với đó, anh Sơn không ngừng mở rộng thị trường, không chỉ giữ vững thị phần trong nước với nhiều nhà phân phối ở các tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... mà còn thành công xuất khẩu hạt điều sang các nước như Thái Lan và Na Uy.
Không dừng lại ở sản phẩm hạt điều truyền thống, anh Sơn luôn hướng tới sự đổi mới. Công ty anh liên tục nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng như hạt điều tẩm vị, sữa chua hạt điều sấy thăng hoa, góp phần khẳng định vị thế trên thị trường.
Với tư duy đổi mới, anh Sơn không chỉ mong muốn phát triển sản phẩm mà còn muốn góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương, cải thiện thu nhập cho người nông dân và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Do đó, anh Sơn luôn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất không bị đứt gãy, đồng thời xây dựng đội ngũ kinh doanh có khả năng phân tích thị trường để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp
Anh chia sẻ thêm, trong suốt quá trình phát triển, công ty luôn chú trọng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, bởi vì việc tối ưu hóa quy trình sản xuất sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Công ty hạt điều của anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 người lao động thường xuyên với mức lương trung bình hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, anh Sơn còn đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội. Hàng năm anh quyên góp từ 60-90 triệu đồng và đầu năm 2024, anh đã tặng hơn 2 tấn gạo, 300 thùng mì tôm và 200 lít dầu ăn… cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Việt Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng, TP. Pleiku chia sẻ: "Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh, anh Sơn còn tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người thông qua các hiệp hội doanh nghiệp và Hội Nông dân. Từ đó, giúp họ có thêm kiến thức và kỹ năng mới thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về công nghệ tiên tiến, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất", theo Dân việt.
Với những thành tựu đã đạt được, anh Sơn không chỉ là một doanh nhân thành công mà còn là một tấm gương sáng cho cộng đồng nông dân, luôn mong muốn đưa nông sản Việt Nam vươn xa ra thế giới.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ tăng trong quý 4/2024 vì nhu cầu thế giới tăng. Việt Nam hiện giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều, kỳ vọng kim ngạch đạt kỷ lục 4 tỷ USD trong năm 2024, theo báo Gia Lai.
KHÁNH LINH (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dua-loai-hat-quy-chinh-phuc-thi-truong-the-gioi-anh-nong-dan-thu-lai-250-ty-dongnam-a77632.html