Chia sẻ với báo Lao Động, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng ban - Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, nguồn gốc của lễ Vu Lan trong đạo Phật xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn.
Cụ thể, kinh này nói về sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu), một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục.
Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên thưa với với Đức Phật Thích Ca làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, bà Thanh Đề sau khi chết bị đày dưới địa ngục là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam.
Vì vậy, muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp Rằm tháng 7, sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.
Với ý nghĩa giải thoát, cúng giỗ vong hồn, Lễ Vu Lan còn liên quan đến việc cầu siêu cho vong linh của đạo Phật. Cho nên dịp này, một số gia đình hay lên chùa cầu nguyện cho người đã khuất.
Trong cuốn Lễ Tết 365 ngày của tác giả Thanh Bình có giải nghĩa: "Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất - một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.
Nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng ngày Rằm tháng 7. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng viếng".
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ. Tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.
Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân độ thế”, “xá tội vong nhân”.
Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan toả khắp cả đất nước Việt Nam.
Lễ Vu Lan cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hi sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại.
Ở Việt Nam, ngày lễ Vu Lan còn có nghi thức bông hồng cài áo. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào năm 1962, những ai may mắn còn cha mẹ sẽ cài bông hoa đỏ và những ai không còn cha mẹ bên mình thì cài bông hồng trắng.
Dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Màu đỏ là biểu tượng của việc còn Mẹ, màu hoa trắng để tưởng nhớ về người mẹ đã khuất núi. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.
Bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan thể hiện những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý nhất, khiến cho mỗi người may mắn còn cha mẹ sẽ càng thêm yêu mến, kính trọng cha mẹ mình…
Không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của mẹ cha. Vì vậy, với những ai còn may mắn được cài bông hồng màu đỏ trên ngực áo, xin nhớ rằng thời gian bên cha mẹ là hữu hạn. Chính vì vậy, hãy trân trọng từng phút giây và quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn những khi còn có thể, đặc biệt hơn trong những ngày lễ Vu Lan diễn ra sắp tới.
Hướng đến tinh thần mùa Vu Lan, chúng ta có rất nhiều cách, nhiều hành động cụ thể để thể hiện tấm lòng với cha mẹ. Dành tặng cha mẹ những món quà báo hiếu trong ngày Vu Lan đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể tách rời đối với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là giá trị vật chất của món quà, mà chính là niềm vui tinh thần.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nguon-goc-y-nghia-cua-le-vu-lan-bao-hieu-a7812.html