Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến 30/9 tín dụng tăng trưởng 9% so với cuối năm 2023 và tăng 16% so với cùng kỳ. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024 hoàn toàn khả thi.
Theo các ngân hàng thương mại, một số địa phương có khoản vay lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, sân bay bến cảng… đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phát triển nhanh kể từ quý III. Bên cạnh đó, động lực chính tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2024 vẫn tập trung ở các lĩnh vực ngành nghề thế mạnh trong nền kinh tế. Ví như gói tín dụng lâm - thủy sản trong vòng hơn một năm qua mà liên tục nâng quy mô gói từ 15.000 tỷ đồng (tháng 7/2023), 30.000 tỷ đồng (đầu năm 2024), 60.000 tỷ đồng (tháng 9/2024). TP. Hồ Chí Minh mặc dù lĩnh vực lâm thủy sản chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhưng kết quả giải ngân lại đáp ứng nhu cầu vốn cho rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa sang các ngành nghề kinh doanh khác.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 9/2024, doanh số giải ngân của gói tín dụng lâm - thủy sản trên địa bàn đạt 3.041 tỷ đồng cho hơn 2.021 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, giải ngân lĩnh vực thủy sản chiếm trên 90% tổng doanh số cho vay lĩnh vực lâm - thủy sản từ gói tín dụng này. Theo các hộ sản xuất thuộc lĩnh vực lâm - thủy sản việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, lãi suất thấp hơn 1-2% mức cho vay bình quân, chi phí vay vốn vừa phải phù hợp với mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tín dụng phục vụ phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất trong những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ ở các đô thị lớn và các vùng phát triển công nghiệp. Ở TP. Hồ Chí Minh, các ngân hàng cho vay hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của tín dụng trên địa bàn. Theo các ngân hàng từ việc phát triển cho vay hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất - mở rộng phát triển tạo lập nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… trong một cơ chế chính sách đang thay đổi phù hợp với diễn biến của thị trường.
Vậy điều gì đã kích thích nhu cầu vay vốn, giúp tín dụng tăng trong 9 tháng qua. Tổng cục Thống kê vừa công bố GDP quý III năm 2024 tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa so với các dự báo trước đó bởi những lo ngại tác động của bão số 3 (Yagi). Kết quả quý GDP III đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 lên mức là 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng UOB đánh giá, tăng trưởng GDP quý III năm là mức tăng cao nhất kể từ quý III năm 2022 sau khi Việt Nam có phục hồi mạnh mẽ sau khi thoát khỏi thời kỳ đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng kinh tế đã kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng. Theo đó, môi trường kinh tế thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng còn được hỗ trợ bởi các yếu tố lãi suất. Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn, kích thích doanh nghiệp và người dân mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, cũng phải kể đến, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024 đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng. Đặc biệt, là tiếp tục sửa đổi chương trình tín dụng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn, tăng cường các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo hướng phổ biến thông tin công khai các cơ chế tín dụng, các mức lãi suất cho vay và lãi suất chênh lệch giữa huy động và cho vay của ngân hàng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao là vấn đề quan trọng có tính tiên quyết trong phát triển tín dụng. Bởi nếu kinh tế không phục hồi, tín dụng yếu, khả năng hấp thụ vốn thấp, ngân hàng muốn cho vay cũng không thể đẩy vốn ra thị trường.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng cho biết, trong thời gian tới các địa phương cần nỗ lực giải quyết vấn đề quy hoạch, công khai giá đất cũng tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc triển khai cho vay, mở rộng tín dụng. Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh vừa qua đi đầu áp dụng bảng giá đất đai theo Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, qua đó làm tăng giá trị tài sản có rủi ro của các ngân hàng và mở rộng khoản vay trên tài sản thế chấp bằng đất đai phù hợp với giá thị trường.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có những hướng dẫn cụ thể để phát huy những tác động tích cực của thị trường bất động sản từ quy định mới trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB mong muốn các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể trong việc nhận thế chấp liên quan đến đất sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đất thuê trong khu công nghiệp. Bởi theo luật hiện hành chỉ quy định quyền chuyển nhượng, đối với quyền thế chấp thì chỉ được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và không quy định về thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Điều này hạn chế các TCTD trong xác định giá trị đất thuê hàng năm trong khu công nghiệp, tùy thuộc vào sự hợp tác của chủ đầu tư do liên quan đến rủi ro pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm.