Hệ lụy từ "cắm mặt" vào điện thoại
Mới đây, một thiếu niên (15 tuổi, tỉnh Hòa Bình) được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng cột sống cổ, liệt tứ chi.
Trước khi phát bệnh, thiếu niên này chơi game trên điện thoại liên tục thâu đêm. Trong quá trình chơi có nhiều động tác như lắc, giật mạnh cổ mà theo bệnh nhân là cho đỡ mỏi.
TS-BS Trương Như Hiển, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (người trực tiếp mổ cho bệnh nhân), cho biết thói quen lắc, giật mạnh cổ để đỡ mỏi do sử dụng điện thoại liên tục là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ.
"Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, thoái hóa cột sống nặng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân trẻ này là lần đầu tiên trong hàng chục năm làm nghề mới gặp", BS Hiển thông tin.
Tại các cơ sở y tế chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình ở Hà Nội, TP HCM…, số bệnh nhân trẻ điều trị do biến cố của thói quen thời đại "cắm mặt" vào điện thoại, bất động trong thời gian dài là không phải ít.
Các chuyên gia cảnh báo tại Việt Nam, tình trạng sử dụng smartphone ở giới trẻ cả về số lượng lẫn thời lượng tăng cao đến mức trở thành nỗi quan ngại của các bậc phụ huynh. Một cuộc khảo sát gần đây trong giới học sinh (4 trường THPT ở TP HCM và 2 trường ở Bình Dương) cũng chỉ ra rằng có tới 37,7% học sinh ở TP HCM sử dụng điện thoại từ 5-6 giờ/ngày; tại Bình Dương tỉ lệ này là 41,2%. Độ tuổi dùng internet nhiều nhất là 14-15 (93%), kế đó là 12-13 tuổi (82%). Các em thường dùng internet để phục vụ việc học, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin và mua sắm.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh đã trở thành thói quen phổ biến của cả cộng đồng. Sự bùng nổ công nghệ mang lại nhiều tiện ích, trở thành công cụ học tập, làm việc, giải trí... song cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Thực tế đã ghi nhận những tác động tới não, mắt, cơ xương khớp, rối loạn chuyển hóa, trầm cảm… Những vấn đề này có thể không nguy hiểm đến tính mạng ngay song về lâu dài có thể gây hệ lụy trong cuộc sống.
PGS-TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cho biết lối sống hiện đại khiến con người lười vận động, trong khi đó thời gian sử dụng máy tính, điện thoại lại nhiều hơn. Khi ngồi một vị trí, một tư thế mà sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ…, từ đó kéo theo các bệnh lý về xương khớp gia tăng.
Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tiếp nhận nhiều người trẻ đến khám, điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm. Riêng với người làm công việc văn phòng, tỉ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã tăng lên rất nhiều. "Một bệnh lý đang gặp nhiều ở người trẻ là bệnh trĩ. Khoảng 30%-40% người Việt mắc căn bệnh "khó nói" này và trong số các lý do mắc bệnh có nguyên nhân ngồi lâu, sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục nhiều giờ" - PGS Cường cảnh báo.
Theo các chuyên gia, không khó để thấy hầu hết mọi người sử dụng điện thoại, máy tính đều gò ép bản thân vào tư thế cúi đầu. Thậm chí, người dùng chỉ dùng một tay để vừa giữ điện thoại, máy tính vừa thực hiện các thao tác trên đó. Việc duy trì thói quen cúi đầu trong thời gian dài có thể khiến đầu đổ về phía trước, ảnh hưởng đến cột sống cổ, gây ra tình trạng vẹo cổ cũng như đau cơ xương khớp ở tay, đặc biệt là vị trí cổ tay, ngón tay. Nguyên nhân do nhóm cơ phải co rút lại để chịu đựng trọng lượng hơn bình thường.
"Tư thế cúi đầu làm tăng áp lực lên cơ cổ và cột sống gấp 4-5 lần so với giữ đầu thẳng. Về lâu dài làm suy yếu các dây chằng ở cột sống, dẫn đến hội chứng đau cổ vai gáy; làm thay đổi đường cong sinh lý cột sống, tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm" - ThS-BS chuyên khoa I Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo.
Giới chuyên môn cũng cảnh báo việc "cắm mặt" vào điện thoại lâu có thể dẫn đến hội chứng "tech neck". Đây là thuật ngữ thời đại được sử dụng để mô tả tình trạng đau cổ và vai mạn tính do thường xuyên cúi đầu nhìn vào các thiết bị điện tử. Nhiều nghiên cứu cho thấy người dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại sẽ ít hoạt động thể chất, cơ thể sẽ trở nên chậm chạp, không năng động, dễ béo phì từ đó dẫn đến bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, đái tháo đường...
Để phòng tránh nguy cơ này, các bác sĩ khuyên cần đặt mục tiêu cho việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng và tắt các thiết bị này vào thời gian nhất định trong ngày, chẳng hạn khi đi tập thể dục, khi ăn, khi chơi với bạn bè, không mang điện thoại khi đi tắm, vệ sinh hay khi đi ngủ. "Phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Với trẻ nhỏ, khi cho chơi điện thoại nên gỡ bỏ các phần mềm ứng dụng, đặc biệt những ứng dụng trò chơi làm trẻ ham mê; giới hạn thời lượng phù hợp được dùng mỗi ngày..." - một chuyên gia nhấn mạnh.
Mỡ thừa thúc đẩy 40% trường hợp ung thư loại này
Một nghiên cứu mới của Tây Ban Nha cho thấy những phụ nữ có nhiều mỡ thừa trong cơ thể nhất có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc một loại ung thư.
Trong những năm gần đây, béo phì đã được chứng minh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và đứng sau nhiều loại ung thư khác nhau.
Giờ đây, nhóm nghiên cứ từ Bệnh viện Đại học Navarra (Tây Ban Nha) đã đi sâu tìm hiểu về mối liên hệ giữa béo phì và loại ung thư phổ biến hàng thứ 2 thế giới - ung thư vú - và đưa ra lời cảnh báo giật mình.
Viết trên tạp chí y học Journal of Epidemiology & Community Health, nhóm tác giả chỉ ra rằng những khối mỡ thừa tưởng chừng vô hại ở người thừa cân - béo phì có thể là nguyên nhân gây ra 40% trường hợp ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính ở phụ nữ sau mãn kinh.
Trước đây, người ta đã biến béo phì thúc đẩy ung thư vú, nhưng hầu hết các nghiên cứu cho rằng tình trạng thừa cân - béo phì chỉ đóng góp 1/10 số ca.
Để đưa ra con số này, nhóm tác giả đã đánh giá các chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) và CUN-BAE (một phép đo lượng mỡ cơ thể do Đại học Navarra phát triển) trên hơn 1.000 bệnh nhân ung thư vú và hơn 1.100 người đối chứng khỏe mạnh.
Tất cả những người này đều tham gia một nghiên cứu quốc gia của Tây Ban Nha nhằm mục đích đánh giá các yếu tố môi trường và di truyền liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau ở người 20-85 tuổi.
CUN-BAE giúp phân loại mỡ cơ thể thành các nhóm: Dưới 35%; 35–39,9%; 40–44,9%; 45% trở lên.
Kết quả cho thấy CUN-BAE mới là thông số giúp dự đoán nguy cơ ung thư vú chính xác nhất. Trong đó, người có CUN-BAE từ 45% trở lên có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú sau mãn kinh tăng gấp đôi so với CUN-BAE dưới 35%.
Với người có BMI không quá cao nhưng CUN-BAE cao, nguy cơ vẫn tăng.
Theo các tác giả, phát hiện mới cho thấy tác động thực sự của béo phì đối với nguy cơ ung thư vú có thể đã bị đánh giá thấp.
Đây là một lời cảnh báo rất đáng lưu tâm bởi ung thư vú nói chung là loại ung thư gây ra số ca mắc nhiều thứ 2 thế giới và số ca tử vong nhiều thứ 4, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngoài ra, các kết quả cũng cho thấy thành phần cơ thể cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng chứ không chỉ cân nặng.
Để giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể, điều cần thiết chắc chắn là kết hợp một chế độ ăn uống hợp lý với thói quen vận động, tập thể dục thường xuyên.
Tỷ lệ mổ đẻ tại Việt Nam tăng 3 lần
Tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2024 do Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Hiệp hội Sản phụ khoa Pháp (CNGOF) tổ chức, PGS.TS Vũ Văn Du, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tỷ lệ mổ đẻ tại Việt Nam tăng cao.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở Việt Nam tăng gấp 3 lần, từ 12% năm 2005 lên 37% vào năm 2022, do rất nhiều sản phụ yêu cầu mổ chủ động. Mổ lấy thai là phương pháp sinh bằng phẫu thuật, nhằm đưa thai nhi ra ngoài qua vết rách trên tử cung và thành bụng.
Mổ lấy thai có thể được lên kế hoạch từ trước nếu người bệnh có các yếu tố chống chỉ định sinh thường, hoặc được quyết định trong quá trình theo dõi chuyển dạ sinh thường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sinh mổ được khuyến nghị dao động từ 10 - 15%. Tỷ lệ này vượt quá 15% được coi là không cần thiết về mặt y khoa. Những năm qua, tỷ lệ sinh mổ tăng trên toàn thế giới.
Dự báo, năm 2030, tỷ lệ mổ lấy thai toàn cầu là 29%. PGS Du cảnh báo, tỷ lệ sinh mổ cao đã trở thành một vấn đề cấp bách, làm dấy lên mối lo ngại về tác động đối với sức khỏe của bà mẹ cũng như hậu quả lâu dài.
Theo ông Du, tỷ lệ mổ đẻ tăng vì ngày nay, trường hợp chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu tăng cao. Lý do là nhiều thai phụ sợ sinh con. Họ sợ đau khi chuyển dạ, sợ tổn thương sàn chậu dẫn đến tiểu không tự chủ, sợ phải phẫu thuật khẩn cấp, sợ mất con. Ngoài ra, nhiều thai phụ còn mong muốn lựa chọn thời điểm sinh, ngày sinh, giờ sinh...
PGS.TS Trần Danh Cường, chuyên gia sản khoa cho rằng, tỷ lệ mổ đẻ theo yêu cầu từ sản phụ ngày càng tăng cao, không phải từ chỉ định của bác sĩ. Thậm chí, chuyên gia này còn đánh giá, có những đơn vị, tỷ lệ mổ đẻ con đầu có thể lên đến 50%, do yêu cầu của người bệnh vì tâm lý sợ đau, rồi chọn giờ đẹp sinh con.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi không có chỉ định sinh mổ, sản phụ nên lựa chọn sinh thường. Bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích giữa việc sinh thường và sinh mổ chủ động một cách hợp lý nhất. Do khi, tỷ lệ sinh mổ lặp lại cao, sản phụ thường có nguy cơ mắc rau tiền đao, rau cài răng lược và cắt bỏ tử cung khi có thai tăng lên sau mỗi lần sinh mổ.
Mẹ bầu và gia đình không nên quá mê tín, chọn ngày đẹp, giờ đẹp để sinh mổ chủ động. Đứa trẻ ra đời sớm bị thiếu tháng có thể khiến hệ hô hấp chưa hoàn thiện, viêm phổi, ảnh hưởng phát triển sau này.
Chưa kể, đẻ mổ để lại nhiều biến chứng ở mẹ, như nhiễm trùng, sẹo, vết mổ không lành, ngứa, nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần.
T.M (tổng hợp)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tin-tuc-doi-song-1710-mo-thua-thuc-day-40-truong-hop-ung-thu-loai-nay-a78595.html