Những cuộc phẫu thuật không có hồi kết
Chị L.T.D., 42 tuổi (sống tại Long Biên, Hà Nội) làm nghề bán hàng online đã liên tục "nâng cấp ngoại hình" bằng dao kéo chỉ trong hơn ba năm qua, chỉ vì thấy... mình chưa đẹp.
Cụ thể, chị D. đã trải qua 5 lần đại phẫu thẩm mỹ và hơn 10 lần tiểu phẫu như: căng da, tiêm filler, chỉnh sửa mũi và mí mắt.
Năm 2021, chị D. quyết định nâng ngực và tạo hình thành bụng. Đến năm 2022, chị tiếp tục vào TP.HCM để đặt túi nâng cấp vòng ba. Tuy nhiên, do biến chứng nhiễm trùng, chị buộc phải tháo túi nâng.
Theo ThS.BS Nguyễn Minh Nghĩa, Phụ trách khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội), mặc dù gặp sự cố với vòng 3, chị D. vẫn tiếp tục thực hiện các phương pháp làm đẹp khác như: căng da, tiêm filler, sửa mắt, mí, mũi...
Gần đây nhất, chị D. thực hiện đặt túi tiêm filler vào hõm mông để có vòng 3 tròn đầy hơn.
"Người phụ nữ này đã chi rất nhiều tiền để làm đẹp, thậm chí đã phải đối mặt với biến chứng nhưng vẫn "nghiện" phẫu thuật thẩm mỹ vì luôn cảm thấy bản thân chưa hoàn hảo.
Mỗi lần gặp bác sĩ, chị luôn hỏi: Tôi còn chỗ nào cần chỉnh sửa để đẹp hơn không?
Trường hợp của chị D. là một dấu hiệu điển hình của tình trạng "nghiện" phẫu thuật thẩm mỹ, khi không ngừng thực hiện nhiều thủ thuật cùng lúc và liên tục", BS Nghĩa cho hay.
Tương tự, chị N.M.T., 34 tuổi, sống tại Hà Nội, cũng rơi vào vòng xoáy của những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ không hồi kết.
Chị T. đã trải qua 5 lần phẫu thuật nâng ngực trong gần 3 năm chỉ vì sự tự ti với vòng một của mình.
Lần phẫu thuật ngực đầu tiên để treo sa trễ và đặt túi ngực, nhưng chị T. không hài lòng với kết quả và liên tục quay lại phẫu thuật để sửa chữa.
Tuy nhiên, sau mỗi lần sửa, vòng một của chị vẫn không đạt được sự hoàn hảo như mong muốn, thậm chí còn bị méo mó, lệch lạc.
Cảnh báo tình trạng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ
Theo BS.Nghĩa, nhu cầu làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ là hoàn toàn chính đáng và ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người có xu hướng kỳ vọng quá nhiều, thậm chí là phi thực tế, vào kết quả của các ca phẫu thuật.
Khi không đạt được mong muốn, họ tiếp tục tìm đến dao kéo với hy vọng làm đẹp hơn nữa. Điều này không chỉ gây ra nhiều biến chứng, mà còn khiến họ ngày càng rơi vào tình trạng tự ti, lo âu.
Thực tế cho thấy, những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ không bao giờ cảm thấy hài lòng với bản thân, dù đã chi hàng tỷ đồng và trải qua nhiều ca phẫu thuật đau đớn.
BS.Nghĩa nhận định, phẫu thuật thẩm mỹ có thể mang lại sự thay đổi lớn, nhưng không thể giải quyết tất cả các vấn đề tâm lý hay giúp con người đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối.
Việc làm đẹp thông minh phải dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn những phương pháp phù hợp, an toàn.
Bên cạnh đó, người dân cần hiểu rõ về quy trình, phương pháp, và những rủi ro có thể gặp phải.
Đặc biệt, không nên vội vàng thực hiện nhiều dịch vụ cùng lúc mà cần có lộ trình cụ thể và được tư vấn kỹ lưỡng từ các bác sĩ có chuyên môn.
BS.Nghĩa cũng nhấn mạnh, các phòng khám thẩm mỹ chỉ được phép thực hiện các tiểu phẫu nhỏ. Đối với các ca phẫu thuật lớn như: nâng ngực, hút mỡ, hay đặt túi mông, khách hàng bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Chỉ những cơ sở y tế đạt chuẩn và có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm mới có thể đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và hạn chế tối đa biến chứng.
Duy Huy (tổng hợp)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nguoi-phu-nu-luon-am-anh-minh-chua-dep-du-da-phau-thuat-10-lan-a78736.html