Thời tiết chuyển mùa đột ngột khiến nhiều trẻ bị suy giảm sức đề kháng, dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Bệnh không chỉ gây nôn mửa, tiêu chảy, mà còn đe dọa tính mạng trẻ nếu không được xử lý kịp thời.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Hà Thị Lan - mẹ của bé Minh (5 tuổi) ở Lâm Bình - Tuyên Quang cho biết vài hôm trước, bé xuất hiện triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy sau đó nhanh chóng kiệt sức.
“Ban đầu tôi nghĩ chỉ là do thay đổi thời tiết, nhưng không ngờ lại nghiêm trọng như vậy”, chị Lan chia sẻ.
Không xa đó, gia đình anh Ma Văn Hiệp cũng cùng hoàn cảnh, bé Thu (3tuổi) vừa nhập viện vì các triệu chứng tương tự.
“Tôi thật sự rất lo lắng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chỉ nghĩ đơn giản là con bị cảm hay rối loạn tiêu hóa thông thường thôi nhưng rồi tình trạng trở nên nghiêm trọng rất nhanh.
Con tôi nôn mửa liên tục, đi ngoài không ngừng. Chúng tôi phải đưa bé vào bệnh viện khẩn cấp, đến lúc đó mới biết nguyên nhân là do virus Rota”, anh Hiệp kể lại.
Anh Hiệp cho biết, gia đình anh thường chú trọng trong việc ăn uống của con như ăn thịt, cá, rau... không ăn đồ lạ nhưng vẫn mắc tiêu chảy.
BS. Lê Văn Thiệu - chuyên khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh tiêu chảy do virus Rota diễn ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa đông. Loại virus này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của các em chưa hoàn thiện.
“Virus Rota dễ dàng lây lan trong môi trường đông đúc như trường học, gia đình, thông qua tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn hoặc phân của người nhiễm bệnh”, BS. Thiệu cảnh báo.
Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh rằng dù đã có vaccine phòng ngừa virus Rota, nhưng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo độ phủ vaccine vẫn còn thấp. Do đó, trẻ em ở đây dễ dàng bị nhiễm virus Rota hơn so với những vùng có hệ thống y tế phát triển.
BS. chia sẻ, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu tiêu chảy cấp như nôn mửa nhiều, đi ngoài phân lỏng liên tục, cơ thể mệt mỏi, quấy khóc hoặc thậm chí có biểu hiện li bì, lơ mơ, phụ huynh cần hết sức lưu ý.
Nếu trẻ tiểu ít, môi khô, khát nước, hốc mắt trũng sâu, thóp mềm (ở trẻ nhỏ) hoặc sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt đây là những dấu hiệu rõ rệt của mất nước, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Những biểu hiện này tuy không mới nhưng thường bị phụ huynh lầm tưởng chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường, dẫn đến việc điều trị chậm trễ làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bùng phát virus Rota ở trẻ em tại khu vực miền núi chính là thói quen vệ sinh chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều gia đình không thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ đựng thức ăn, và không bảo quản thực phẩm đúng cách.
Bên cạnh đó, môi trường sống ở những khu vực nông thôn và miền núi cũng là yếu tố góp phần. Những bề mặt chứa virus như bàn ăn, đồ chơi, hay dụng cụ ăn uống nếu không được vệ sinh kỹ càng sẽ trở thành nguồn lây nhiễm dễ dàng.
Virus Rota có thể tồn tại trên các bề mặt bị nhiễm bẩn trong thời gian dài, lây lan thông qua tiếp xúc giữa trẻ nhỏ hoặc từ người lớn sang trẻ em.
Đồng ý quan điểm trên, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hồng Vân - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng ngoài việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
“Việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus Rota”, BS. Vân nói.
Bên cạnh đó, virus Rota có thể tồn tại trên bề mặt đồ chơi, dụng cụ ăn uống và đồ dùng hàng ngày. Do đó, cha mẹ cần chú trọng vệ sinh sạch sẽ không gian sống của trẻ.
Ngoài ra, việc cho trẻ ăn chín, uống sôi và lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng cũng rất quan trọng trong việc phòng tránh tiêu chảy do virus Rota.
Bà lưu ý những thực phẩm cần được bảo quản đúng cách và tránh những nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
BS Hồng Vân khẳng định: “Vaccine Rotavirus hiện là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota. Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trước những tác động nghiêm trọng của căn bệnh này”.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự lo ngại rằng ở các vùng nông thôn, miền núi, vẫn còn nhiều gia đình chưa thực hiện đủ việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ do hạn chế về điều kiện địa lý và nhận thức về phòng bệnh.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Vân, trẻ nên được tiêm phòng vaccine Rotavirus từ 2 tháng tuổi và hoàn thành trước 6 tháng tuổi để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất. Vaccine Rotavirus hiện đã có sẵn trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo trẻ được bảo vệ trước mùa dịch.
“Việc tiêm phòng vaccine Rotavirus không chỉ giúp trẻ phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng nhất là ở những khu vực dân cư đông đúc”, vị bác sĩ nói.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa cá nhân, bác sĩ cho rằng việc nâng cao nhận thức cộng đồng về dịch bệnh cũng là một yếu tố quan trọng để kiểm soát sự lây lan của virus. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ thông tin về triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và các chương trình tiêm chủng để có thể bảo vệ sức khỏe của con em mình tốt nhất.
Tại các khu vực khó tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng, việc tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng cho trẻ nhỏ là điều cần thiết. Các cơ quan chức năng cần tăng cường đưa thông tin đến những vùng sâu, vùng xa để mọi người dân có thể tiếp cận và thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tieu-chay-cap-do-virus-rota-bac-si-huong-dan-phong-benh-cho-tre-truoc-mua-dich-a79081.html