Người nông dân may mắn kiếm được nhiều tiền từ trồng trọt và chăn nuôi nói đến ở đây là ông Hồ Trọng Lập ở huyện Tuy Phước, Bình Định.
Thuở mới khởi nghiệp vào năm 1995, ông Lập "vét" hết vốn liếng trong nhà tham gia đấu giá 1ha mặt nước tại địa phương để nuôi trồng thủy sản. "Vạn sự khởi đầu nan", ban đầu do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn đầu tư nên việc làm ăn của ông Lập gặp trắc trở, không cho hiệu quả.
Dù không có lãi khi mới bắt tay vào đầu tư nhưng không nản chí, suốt mấy năm liền ông Lập vừa tiếp tục làm vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, qua những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả để rút ra bài học.
Về trang trại của gia đình ông Lập xử lý phèn trong ao nuôi thủy sản, kỹ thuật kiểm tra độ pH, độ kiềm; cách tạo tảo, phiêu sinh vật để làm thức ăn cho tôm, cua, cá; đặc biệt là cách chọn mua con giống chất lượng.
Sau một thời gian thực nghiệm năm 2014, sau khi tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, ông Lập mạnh dạn thuê 5ha mặt nước để nuôi tôm xen cua, cá theo hướng quảng canh cải tiến.
Theo ông Lập, đây là mô hình nuôi thủy sản thân thiện với môi trường. Đối tượng nuôi chính là tôm sú xen với cua, cá các loại. Hằng năm, ông nuôi một vụ kéo dài, thu tỉa, thả giống nhiều đợt có chọn lọc theo từng đối tượng nuôi và theo con nước.
"So với nuôi công nghiệp, phương thức nuôi quảng canh cải tiến cho sản lượng tôm sú, cua biển, các loại cá thấp hơn, nhưng thu nhập ổn định. Ngày nào tôi cũng thu hoạch, thương lái đến tận đầm thu mua. Từ đó, kinh tế gia đình ổn định hẳn, thậm chí có "của ăn của để". Nhờ đó, tôi xây dựng được nhà khang trang, nuôi 3 con tốt nghiệp đại học", ông Hồ Trọng Lập nhấn mạnh.
Hiện gia đình ông có 5ha mặt nước nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh cải tiến áp dụng khoa học kỹ thuật, mỗi năm ông Lập thu hoạch được từ 7-8 tấn tôm, 4 tấn cá các loại và 4 tấn cua. Riêng năm 2023, gia đình ông Lập thu lợi nhuận 1,4 tỷ đồng.
Theo ông nông dân này để có được thành quả trong nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, trước khi vào vụ nuôi mới, ông đầu tư cải tạo đầm nuôi rất kỹ lưỡng.
Sau khi tháo cạn nước trong đầm, ông Lập nạo vét đáy đầm rồi bón vôi để tăng độ kiềm. Nhờ đó, bùn dưới đáy đầm tơi xốp, không khí ở tầng đáy được cải thiện làm tăng độ dinh dưỡng cho đầm. Ngoài ra, ông Lập còn sử dụng một số phương pháp để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài thủy sản.
Chia sẻ về hành trình lập nghiệp, ông Lập tâm sự với báo Nông Nghiệp: "Trong nuôi trồng thủy sản phòng bệnh là chủ yếu, nếu tôm cua bị bệnh thì khả năng điều trị là rất khó. Ngoài ra, tôi còn tận dụng thức ăn ngoài tự nhiên, thức ăn tự chế biến và các biện pháp sinh học để bảo vệ môi trường nuôi.
Qua thực tế, tôi có thể khẳng định, mô hình nuôi tôm sú, cua, cá theo hình thức quảng canh cải tiến rất hiệu quả, ăn chắc. Nếu thất bại con tôm thì còn cua, cá bù vô, người nuôi không sợ trắng tay. Chất lượng của tôm, cua hay cá nuôi theo hình thức này cũng rất cao, được thị trường ưa chuộng", ông Lập cho hay.
"Trời không phụ lòng người" bao năm học hỏi và vất vả đầu tư trang trại chăn nuôi, đến nay trong danh sách vinh danh, tỉnh Bình Định tự hào có ông Hồ Trọng Lập. Ông Lập là người nổi bật với mô hình sản xuất nông nghiệp toàn diện, từ trồng lúa đến chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, ông thu hoạch 22 tấn lúa mỗi năm, xuất chuồng từ 300 – 340 con heo và nuôi trồng thủy sản với sản lượng 7 – 8 tấn tôm sú, 3 – 4 tấn cua cùng các loại cá khác. Mỗi năm, tổng lợi nhuận mà ông đạt 1,4 tỷ đồng. Không chỉ thành công trong kinh doanh, mô hình sản xuất của ông Lập còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương.
"Lão nông tri điền" Hồ Trọng Lập còn tích cực hỗ trợ cộng đồng khi cho 10 hộ nông dân khó khăn vay vốn không lãi suất, giúp 7 hộ trong số đó thoát nghèo. Ông cũng luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện và đóng góp vào công tác xây dựng đường giao thông nông thôn.
Bao năm chăm chỉ chăm và không ngại khó cùng với đó là những đóng góp tích cực cho địa phương, ông Lập đã nhận được nhiều bằng khen từ Chính phủ, UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh. Một số danh hiệu tiêu biểu, gồm: Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh các năm 2017 và 2022; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 về mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo; bằng khen của UBND tỉnh năm 2019 cho thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi…
Đặc biệt mới đây nhất ông Hồ Trọng Lập là một trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/ong-nong-dan-lai-gan-15-ty-dong-nho-be-lai-nuoi-con-hien-nhu-cuc-dat-a79133.html