Ngày 22-10, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung một số nội dung cần thiết vào dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Trong thư, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết 4 năm qua, thế giới xảy ra nhiều biến động về kinh tế, địa chính trị, thiên tai và dịch bệnh khiến nhiều ngành nghề, trong đó có xăng dầu, gặp khó khăn. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn phải đối mặt với tình trạng hoạt động bấp bênh, thua lỗ và nguy cơ đóng cửa hàng loạt.
Dù nhà nước đã điều chỉnh, bổ sung nghị định kinh doanh xăng dầu, mới nhất là Nghị định 80/2023, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để 3 vấn đề cơ bản của thương nhân bán lẻ xăng dầu, gồm: hạn chế mua 3 nguồn; chưa bảo đảm chi phí kinh doanh và lợi nhuận, dẫn đến chiết khấu thấp; chưa được giao nhận xăng dầu nội địa quy về tiêu chuẩn 15 độ C nhằm giảm hao hụt trong vận chuyển và kinh doanh.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng chỉ ra năng lực bảo đảm tổng nguồn của hệ thống thương nhân đầu mối còn yếu kém.Bên cạnh đó, có sự thỏa thuận ngầm giữa một số thương nhân đầu mối hòng chia sẻ, đầu cơ, lũng đoạn về giá khiến thị trường xăng dầu hoạt động méo mó, nhiều thời điểm đi ngược với tình hình chung của thế giới.
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa làm đúng, đủ chức năng giám sát, phân phối tổng nguồn đối với từng thương nhân đầu mối. Thương nhân kinh doanh xăng dầu vừa phải bảo đảm lưu thông vừa phải bảo đảm dự trữ quốc gia khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó trong việc lập kế hoạch kinh doanh khi cơ chế điều chỉnh giá giảm còn 7 ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát, dự thảo nghị định mới chỉ tính đến chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cho thương nhân đầu mối về đến kho cảng, chưa có chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Nghị định quy định giá thế giới để tính giá cơ sở chỉ căn cứ giá Platt Singapore là phiến diện, dẫn đến giá không sát theo biểu đồ giá xăng dầu thế giới. Các thương nhân đầu mối xăng dầu còn nhập từ nhiều nguồn, nhiều sàn xăng dầu khác với giá rẻ hơn quy theo giá Platt để kiếm lợi từ đầu nguồn.
Nghị định chưa có cơ chế và chế tài về chống chuyển giá, chống đầu cơ; chưa có biện pháp bảo vệ thương nhân bán lẻ khi chiết khấu thấp, khiến thương nhân đầu mối dễ dàng chèn ép cộng đồng thương nhân bán lẻ về chiết khấu, buộc thương nhân bán lẻ phải kinh doanh thua lỗ.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, kiến nghị nhà nước chỉ quy định về giá cơ sở gồm: Giá trung bình từ ít nhất 3 sàn xăng dầu có lượng nhập khẩu nhiều nhất; các loại thuế phí trực thu hoặc gián thu hiện hành; các chi phí đưa xăng dầu về kho cảng giao cho thương nhân đầu mối quyết định và các loại chi phí đưa xăng dầu đến tay người tiêu dùng, cũng do thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ quyết định.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng kiến nghị quy định thương nhân là đầu mối phải tách bạch kê khai, quyết toán độc lập đối với các khâu đầu mối – phân phối - bán lẻ nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai. Nhà nước cần ban hành các quy định, quy chế chống mua bán lòng vòng, chuyển giá, đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế...