Từ khi ra mắt, tủ đóng cắt trung thế AirSeT đã đem về cho Schneider Electric nhiều những giải thưởng công nghệ, kiến tạo tương lai xanh bao gồm Giải thưởng Hiệu quả Năng lượng Công nghiệp tại Hannover Messe, Giải thưởng 10 Sáng tạo Hàng đầu từ Cool Earth Forum, Giải thưởng Thiết kế iF, và Giải thưởng EnerTIC cho lưới điện thông minh tại Thụy Điển. Gần đây, AirSeT được vinh danh tại Giải thưởng Làm chủ Năng lượng 2022 và Giải thưởng Dấu tay Carbon Quốc tế tại Tuần lễ Khí hậu NYC.
Tại Việt Nam, Schneider Electric cũng đạt giải thưởng "Thương hiệu Đổi mới Sáng tạo phục vụ Người dùng và Doanh nghiệp" - Better Choice Awards 2024. Thông qua những nỗ lực vì một tương lai xanh của "Dải đất hình chữ S", với sản phẩm đi đầu là tủ đóng cắt trung thế hiện đại, SM AirSeT ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng từ các quốc gia. Sản phẩm đáp ứng những quy định về khí thải và môi trường nghiêm ngặt, khẳng định hiệu quả khi đã áp dụng hơn 1,5 triệu ngăn tủ đóng cắt trên toàn cầu, giúp doanh nghiệp giảm thiểu dấu chân carbon.
Sản phẩm tủ đóng cắt trung thế SM-AirSeT tiên phong loại bỏ khí SF6 trong vận hành
Để đạt được những giải thưởng này, tủ đóng cắt trung thế SM AirSeT đã đáp ứng được 3 tiêu chuẩn: không phát thải, tích hợp công nghệ số hóa và thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng chuyển đổi từ tủ SM6 truyền thống. Đây là giải pháp hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng khí SF6, thay thế bằng không khí tinh khiết và công nghệ đóng cắt chân không
Sử dụng thiết bị này không chỉ giúp giảm dấu chân carbon mà còn tiết kiệm đáng kể năng lượng tiêu thụ cho các tòa nhà thương mại và công nghiệp. SM AirSeT đã chứng minh là một lựa chọn hiệu quả và bền vững cho ngành công nghiệp điện.
Khí SF6 đã được sử dụng phổ biến trong các thiết bị điện trung và cao thế từ những năm 1950 nhờ khả năng cách điện vượt trội. Tuy nhiên, loại khí này gây ra những tác động rất nghiêm trọng đến môi trường. Theo ước tính, SF6 có khả năng gây hiệu ứng nhà kính cao hơn CO2 đến 23.500 lần và có thể tồn tại trong khí quyển lên tới 3.200 năm. Chính vì những tác động tiêu cực này, Nghị định thư Kyoto đã xếp SF6 vào danh sách các loại khí nhà kính gây hại nhất và kêu gọi loại bỏ nó để thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon.
SM AirSeT là một trong những nỗ lực của Schneider Electric trong việc loại bỏ khí SF6, tiến tới tương lai xanh. Trong suốt 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Schneider Electric đã có nhiều giải pháp tích hợp phần mềm và phần cứng, hỗ trợ doanh nghiệp quản lý, giám sát và tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận hành và tiêu thụ năng lượng.
Schneider Electric đã tích cực tham gia các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm việc triển khai các giải pháp cho nhà máy điện mặt trời, điện gió và các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, công ty thúc đẩy sử dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và giải pháp tiết kiệm điện năng, giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng cường khả năng tự chủ về năng lượng.
Ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam
Trong quá trình phát triển, Schneider Electric còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các sản phẩm của mình nhằm nâng cao hiệu suất. Tại "Hội thảo Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI, bán dẫn", ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại của Schneider Electric Việt Nam, chia sẻ:
"Tại Schneider Electric, chúng tôi thu thập dữ liệu và áp dụng AI để phân tích, từ đó tối ưu hóa hiệu suất cho cả nhà máy và hộ gia đình. Ví dụ, khi hệ thống dự báo thời tiết nắng, hệ thống điện mặt trời sẽ được kích hoạt để tiết kiệm năng lượng. Nhờ AI, Schneider mang đến các giải pháp giúp khách hàng tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất hoạt động, với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng cuộc sống".
Một trong những nền tảng quan trọng của Schneider Electric là EcoStruxure – hệ sinh thái số toàn diện kết nối các thiết bị, hệ thống và con người thông qua dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Nền tảng này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu suất và giảm chi phí vận hành, mà còn hỗ trợ ra quyết định chính xác hơn nhờ phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Tại Việt Nam, nhiều ngành công nghiệp như sản xuất, xây dựng và năng lượng đã ứng dụng EcoStruxure để nâng cao năng suất và giảm thiểu lãng phí.