Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, khởi đầu chỉ với 2 công ty đến nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết với tổng vốn hóa khoảng 280 tỷ USD, bằng 65% GDP. Trong đó, tính đến tháng 23/10/2024 đã có tổng 16 doanh nghiệp và ngân hàng có vốn hóa trên 5 tỷ USD.
Nếu không tính các ngân hàng, hiện đang có 10 công ty phi tài chính trên sàn có vốn hóa trên 5 tỷ USD.
Thực tế trong quá khứ, một số doanh nghiệp khác đã từng chạm đến vốn hóa 5 tỷ USD nhưng sau này lại giảm xuống như Masan Group, Novaland, Sabeco...
CHỤC NĂM CHINH PHỤC
Có doanh nghiệp đã mất hàng chục năm kể từ ngày lên sàn để chạm cột mốc vốn hóa 5 tỷ USD. Tuy nhiên lại có một số công ty tiến đến mức đó với thời gian ngắn không tưởng.
FPT là doanh nghiệp trải qua quãng thời gian dài nhất để đến được cột mốc 5 tỷ USD vốn hóa, trong 16 năm 8 tháng. FPT lên sàn vào ngày 13/12/2006 với vốn hóa 1,51 tỷ USD và đạt mức 5 tỷ USD vào ngày 30/8/2023.
Kể từ đó cho đến ngày 15/10/2024, vốn hóa của FPT vẫn liên tục tăng và đã có hơn 30 lần phá đỉnh. Giá trị thị trường của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam rơi vào khoảng 8 tỷ USD, trong top 10 trên sàn chứng khoán Việt.
Một loạt các công ty khác cũng phải mất nhiều năm khi lên sàn mới có thể đạt được 5 tỷ USD như Hòa Phát (13 năm), Masan Group (11 năm 6 tháng), Vinamilk (9 năm 8 tháng), Vingroup (9 năm)...
SINH RA Ở VẠCH ĐÍCH
Có những DN chỉ cần một thời gian ngắn đã đạt 5 tỷ USD vốn hóa khi lên sàn có khi là vài tháng, thậm chí là vài ngày. Ví dụ như ACV chỉ mất 25 ngày hay Sabeco chỉ mất 7 ngày. Đây là những doanh nghiệp được định giá cao ngay từ thời điểm IPO.
Vinhomes (VHM) ngay phiên giao dịch đầu tiên đã cán mốc 12,7 tỷ USD.
Thương vụ IPO Vinhomes vào năm 2018 được Finance Asia và The Asset đánh giá là thương vụ IPO thành công nhất hành công nhất khu vực châu Á và Việt Nam trong năm đó. Sau nhiều thăng trầm, tính đến ngày 15/10/2024 vốn hóa của Vinhomes ở quanh mức 8 tỷ USD.