Anh Thái kể năm 2016, sau khi xuất ngũ, anh trở về địa phương ở xã Tân Thanh và học nghề lái xe để trang trải cuộc sống.
Một lần tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen ở Cần Thơ, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương mình phù hợp nên anh Thái ấp ủ dự định khởi nghiệp.
Năm 2018, được Xã đoàn Tân Thanh hỗ trợ số vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng, anh Thái mạnh dạn cải tạo ao, mua 8.000 con ốc giống về nuôi. Ốc được nuôi trong các ao ở vườn sầu riêng theo mô hình ốc sạch.
Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên ốc hao hụt nhiều. Dần dần, trong quá trình nuôi, anh Thái rút ra nhiều kinh nghiệm để khắc phục hạn chế và thành công.
Năm 2020, anh mở rộng mô hình với 8 ao nuôi, thuê thêm đất thả nuôi ốc trên diện tích 15.000 m2. Anh tận dụng các ao nước trong vườn sầu riêng rộng 8.000 m2 để nuôi ốc.
Thành công với mô hình, anh tiếp tục thuê thêm 7.000 m2 đất thả nuôi để cung ứng ốc thương phẩm, ốc giống ra thị trường.
Chia sẻ với báo Thanh Niên về kỹ thuật nuôi ốc, anh Thái cho biết, để ốc phát triển tốt, trước tiên, nguồn nước phải sạch, theo dõi xử lý nước có độ pH từ 6,5 - 7,5. Nước trong ao thường xuyên được cho ra vào để tạo môi trường tự nhiên cho ốc.
Từ khi thả giống đến khi thu hoạch khoảng 4,5 tháng đối với ốc thịt. Nếu nuôi cho ốc sinh sản cần thêm khoảng 1,5 - 2 tháng.
Hiện tại với 8 ao trong vườn sầu riêng, anh Thái nuôi ốc thịt 5 ao, ốc sinh sản 3 ao. Mỗi ngày, từ 13 - 14 giờ, anh thu hoạch trứng ốc cho vào rổ rửa sạch rồi tiến hành ấp trứng. Sau 13 ngày, trứng nở ra con non (tỷ lệ nở 90 - 95%), anh tiếp tục dưỡng trong bể khoảng 14 ngày mới xuất bán con giống.
Dưới ao, anh trồng thêm bèo phủ mát mặt nước; thả rong, rêu và các loại cây thủy sinh để vừa tạo nơi trú ẩn, vừa làm nguồn thức ăn cho ốc. Ngoài ra, anh còn trồng 100 cây ổi theo hướng hữu cơ chỉ để hái trái cho ốc ăn.
Hiện ốc giống được anh Thái bán với giá 250 đồng/con, trứng ốc 700.000 đồng/kg, ốc thịt 35.000 - 60.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ khắp các tỉnh, thành miền Tây và TP.HCM. Nhờ đó anh thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm.
"Với tiềm năng phát triển, mô hình nuôi ốc bươu đen này có thể trở thành hướng đi mới cho các nhà vườn trồng cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng, giúp bà con tối ưu hóa thu nhập mà không cần mở rộng diện tích canh tác", anh Thái kỳ vọng.
Cách nuôi ốc bươu đen đạt hiệu quả
Ốc bươu đen có kỹ thuật nuôi tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc. Ốc có thể nuôi tốt ở trong ao đất, ao lót bạt, nuôi bể… với điều kiện nguồn nước ngọt phải sạch, không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, chất thải công nghiệp…
Trước khi thả nuôi cần nạo vét ao hồ, vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các địch hại có trong ao như cá chép, cá lóc… rải vôi bột với liều lượng 5-7 kg/100m2 để trung hòa pH, phát quang bờ ao, dọn dẹp sạch cỏ rác, tránh chuột làm tổ quanh ao.
Mực nước trong ao thích hợp từ 0,5-1,5m. Đặc tính của ốc phân bố không đều, thường tập trung ở một số khu vực nhất định, do đó trong ao nên tạo ra địa hình nông sâu khác nhau để đa dạng môi trường sống cho ốc. Nhiệt độ thích hợp để ốc sinh trưởng và phát triển tốt là từ 22-30 độ C.
Chọn giống là khâu rất quan trọng để đảm bảo ốc sinh trưởng và phát triển tốt. Ốc giống được chọn cần phải là những con khỏe mạnh, chất lượng tốt. Phần vỏ ốc không được sứt mẻ, phần đỉnh vỏ ốc có màu tươi sáng.
Con giống sau khi được vận chuyển về nên để 5-10 phút cho ốc ổn định và quen với môi trường mới. Sau đó dùng vật thể lá chuối hoặc nắp xốp làm giá thể thả giống. Mật độ thả trung bình từ 80-100 con/m2, tùy vào điều kiện thực tế có thể tăng mật độ lên 200-300 con/m2.
Thức ăn của ốc thường là các loại bèo, thực vật thân mềm, rau củ và các loại trái cây, các phụ phế phẩm nông nghiệp… Ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn tinh như các loại cám cho cá, bột cám gạo, cám bắp.
Nên cho ốc ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều tối, tới sáng thức ăn vừa hết là tốt nhất. Lượng thức ăn cho ăn trong ngày chiếm từ 5-7% trọng lượng ốc trong ao, nếu trong ao nuôi có nhiều thức ăn từ nguồn tự nhiên thì có thể giảm khẩu phần ăn của ốc.
Thời gian nuôi thường từ 4-6 tháng khi ốc trong ao đạt trọng lượng 25-30 con/kg là có thể thu hoạch để xuất bán. Có thể thu hoạch ốc theo hình thức tỉa dần, bắt những con lớn đạt trọng lượng trước, để lại những con nhỏ nuôi tiếp. Đây là hình thức nuôi gối đàn thích hợp cho ốc phát triển và giảm lượng thức ăn không cần thiết.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nuoi-con-hien-nhu-dat-me-an-oi-anh-nong-dan-nhe-nhang-thu-lai-400-trieu-dong-a80009.html