Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, khối lượng công việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 là rất lớn.
Điều này đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tinh thần "tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó".
Thời gian qua, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để đổi mới công tác xây dựng pháp luật nhằm xây dựng hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu.
Muốn hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, tuổi thọ lâu thì chính các đại biểu Quốc hội phải ra sức tích cực, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cao độ trong 29,5 ngày, phấn đấu xem xét, thông qua được 18 luật.
"Cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dành thời gian phân tích những tồn tại, hạn chế, chỉ ra những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá trong thời gian còn lại của năm nay và năm 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026-2030. Quốc hội phải lan tỏa tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.
Nêu một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về tình hình thị trường bất động sản, nhà ở còn nhiều bất cập.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" của Quốc hội cho thấy nhiều vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Điển hình, chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị.
"Hiện, chúng ta không thiếu nhà ở, cung nhiều, nhu cầu cũng có nhưng khả năng thanh toán của người mua nhà là khó", Chủ tịch Quốc hội chỉ ra.
Nêu thêm một bất cập khác là nguồn cung bất động sản cũng dồi dào, nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân dưới 25 triệu/m2.
Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…
Về giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới.
Về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải quan tâm thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn phát triển.
"Ngân hàng có tạo điều kiện thuận lợi hay không? Người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, làm thủ tục vay vốn có dễ không?", Chủ tịch Quốc hội đề cập và nhấn mạnh đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng phải tăng cường giám sát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những biến động của tình hình, không phải đợi đoàn giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
"Doanh nghiệp tư nhân phát triển góp phần rất lớn cho nền kinh tế chúng ta phát triển. Một số địa phương còn tồn đọng nhiều dự án đất đai. Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã có hiệu lực nhưng đến nay nhiều địa phương chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Luật có rồi, nghị định có rồi, thông tư có rồi thì bây giờ ở địa phương, HĐND phải ban hành những văn bản thuộc thẩm quyền để kịp thời thực hiện, phải hướng dẫn cho nhanh", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nha-o-khong-thieu-nhung-gia-binh-quan-gap-25-lan-thu-nhap-cua-nguoi-dan-a80110.html