Mỹ bị cáo buộc phản bội đồng minh ở Niger

(VnMedia) - Một nhà ngoại giao Pháp đã nói với Le Figaro rằng, sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tới Niger, Washington đã chọn lợi ích của mình hơn là các đồng minh.

Mỹ bị cáo buộc phản bội đồng minh ở Niger - Ảnh 1.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland

Le Figaro cuối tuần vừa rồi dẫn một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, Washington đã cản đường đồng minh NATO của mình là Pháp khi quyết định cử Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đến nói chuyện với chính phủ quân sự mới ở Niger sau khi xảy ra một cuộc đảo chính quân sự.

Một nguồn tin ngoại giao Pháp nói với tờ báo rằng Mỹ “đã làm hoàn toàn ngược lại với những gì chúng tôi nghĩ họ sẽ làm”, đồng thời nói thêm rằng “với những đồng minh như thế này, chúng tôi không cần kẻ thù”. Paris đã khăng khăng đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum kể từ khi một chính phủ quân sự mới lên nắm quyền ở Niger trong một cuộc đảo chính xảy ra vào cuối tháng Bảy.

Chính phủ Pháp cũng sẵn sàng ủng hộ việc các quốc gia Tây Phi sử dụng vũ lực vì mục đích nói trên, vì họ ủng hộ Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trong quyết định huy động lực lượng dự bị để chuẩn bị cho một chiến dịch can thiệp quân sự sau vụ lật đổ.

Tờ Le Figaro cho biết, bằng cách cử Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến Niger, Washington đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng đối thoại với những người lãnh đạo cuộc đảo chính. “Đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, uy tín của nước Pháp, đặc biệt là về mặt diễn ngôn về dân chủ, đang bị đe dọa. Đối với người Mỹ, ngay cả khi họ cũng quan tâm đến việc nhanh chóng trở lại trật tự hiến pháp, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là sự ổn định của khu vực”, nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Pháp của tờ Le Figaro cho biết.

Nhà ngoại giao giấu tên của Pháp cho rằng, người Mỹ chỉ đơn giản muốn “giữ căn cứ của họ” trong khu vực, đồng thời cho biết thêm rằng Washington “sẽ không ngần ngại” từ bỏ yêu cầu về cái mà ông gọi là “tính hợp pháp của hiến pháp” để đạt được mục tiêu này.

Giờ đây, Paris lo ngại rằng Washington có thể đạt được thỏa thuận với chính phủ quân sự của Niger sau lưng Pháp.

Mỹ có một lực lượng khá lớn được triển khai ở Niger, lên tới khoảng 1.300 binh sĩ và gần bằng với Pháp, quốc gia có khoảng 1.500 binh sĩ ở nước này. Quân đội Mỹ được chia thành hai căn cứ, một nằm ở thủ đô Niamey của Niger và căn cứ còn lại nằm ở thành phố Agadez, phía bắc Niger.

Agadez được cho là có tầm quan trọng đặc biệt đối với Washington vì nơi đây có bãi đáp cho máy bay không người lái và đóng vai trò là trung tâm giám sát cho một khu vực rộng lớn trải dài từ Tây Phi đến Libya ở phía bắc.

Theo tờ Le Figaro, Paris cũng không hài lòng vì mặc dù cả Pháp và Mỹ đều có quân ở Niger, nhưng chỉ có sự hiện diện của Pháp mới khiến người dân địa phương phẫn nộ. “Mỹ, giống như các đồng minh khác của chúng tôi về vấn đề đó, có thói quen để chúng tôi chịu đòn,” nhà ngoại giao Pháp đã nói như vậy với tờ báo.

Cuộc đảo chính ở Niger diễn ra vào ngày 26/7, khi lực lượng bảo vệ Tổng thống do ông Tchiani đứng đầu đã bắt giữ Tổng thống Bazoum và gia đình ông này với lý do “tình hình an ninh đang xấu đi và sự quản lý tồi”. Động thái trên đã bị các cường quốc trên thế giới lên án, trong khi ECOWAS áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Niger và đưa ra tối hậu thư cho những người lãnh đạo cuộc đảo chính phải thả Bazoum nếu không sẽ phải đối mặt với sự can thiệp quân sự.

Ngày hôm qua (14/8), chính phủ quân sự của Niger đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán với ECOWAS nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực.

Thứ trưởng Nuland đã đến thăm Niger vào thứ Hai tuần trước. Trong các cuộc đàm phán, bà cảnh báo chính phủ quân sự mới không được ký bất kỳ thỏa thuận nào với công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga và kêu gọi họ khôi phục hiện trạng thân thiện với Washington.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/my-bi-cao-buoc-phan-boi-dong-minh-o-niger-a8036.html