Tin tức Đời sống 31/10: Trẻ nguy kịch vì cha mẹ tự làm bác sĩ

Cập nhật tin tức đời sống ngày 31/10: Trẻ nguy kịch vì cha mẹ tự làm bác sĩ; Người phụ nữ phải mổ cấp cứu sau khi tiêm dung dịch lạ vào bụng...

Trẻ nguy kịch vì cha mẹ tự làm bác sĩ

Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay vừa tiếp nhận và điều trị các bệnh nhi bị biến chứng vì cha mẹ tự ý chữa vảy nến.

Cụ thể, bệnh nhi 23 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng toàn thân trẻ có nhiều tổn thương mủ tập trung thành ổ trên nền rát đỏ, trợt loét, chảy dịch, bong vảy.

Theo lời kể của người mẹ, khi sinh ra bé bình thường, nhưng từ 3 tháng tuổi, bé đã có biểu hiện ngứa ngáy, đỏ lựng da, xuất hiện các nốt nhỏ li ti ở vùng cổ, lưng, sau đó lan ra khắp cơ thể. Gia đình đã dùng nhiều loại thuốc lá để tắm, các loại thuốc bôi cho con nhưng tình trạng không giảm.

Đặc biệt 3 tháng trở lại đây, tình trạng tổn thương da của bệnh nhi rất nghiêm trọng. Vùng đầu của trẻ rát đỏ, đóng vảy thành từng tảng. Ngoài ra, vùng tay, chân, mặt cũng xuất hiện những đám đỏ dày đặc.

BS Đặng Tú Anh - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trẻ được chẩn đoán vảy nến, phải nhập viện điều trị. Được biết, mẹ của bệnh nhi cũng bị vảy nến và đã được điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên khi hồi phục, chị không tái khám đúng hẹn và cũng tự ý sử dụng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc khi bệnh tái phát.

Đây chỉ là một trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình đã và đang "tự làm bác sĩ" mỗi khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe, gây ra nhiều nguy hiểm tính mạng cho trẻ. Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân có thói quen tự điều trị bệnh, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn, quá trình điều trị càng khó khăn.

BSCKII Nguyễn Thị Bánh - khoa Nhi (Bệnh viện Thu Cúc) nêu thực trạng: Hiện nay có rất nhiều phụ huynh đang áp dụng khám và chữa bệnh cho bé tại nhà bằng những cách như lên hội nhóm tâm sự, đọc triệu chứng của bé, sau đó thấy mẹ nào bảo bé nhà họ cũng có biểu hiện giống như vậy là liền hỏi xem đã áp dụng cách nào hoặc uống thuốc gì, sau đó xin đơn ra hiệu thuốc mua về cho con mình uống, mặc dù trẻ vẫn chưa được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.

Theo BS Bánh, sai lầm này của các bậc phụ huynh là vì quá lo lắng, sốt ruột khi thấy con ốm nhưng lại ngại không cho bé đi khám, mà tự ý vận dụng đơn thuốc của trẻ khác cho con mình. Nhiều phụ huynh vì bận công việc, nhiều người vì sợ đưa bé đến bệnh viện phải chờ đợi lâu, mất thời gian trong khi đó họ có thể ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc.

Tuy nhiên, việc này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trẻ ngộ độc thuốc do dùng sai thuốc, uống thuốc quá liều, trì hoãn kéo dài thời gian bệnh, khiến bệnh tình của con chuyển biến nặng, gây khó khăn cho việc điều trị, khả năng để lại các biến chứng nguy hiểm cao, thậm chí có trẻ đã phải đánh đổi cả tính mạng vì việc làm sai lầm này.

Người phụ nữ phải mổ cấp cứu sau khi tiêm dung dịch lạ vào bụng

Chị N.T.H (35 tuổi, Tuyên Quang) đến Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) khám trong tình trạng bụng đau, sưng cứng.

Sau sinh, chị tăng cân không kiểm soát. Nhiều năm liền, người phụ nữ tốn cả trăm triệu giảm cân nhưng không đạt được mong muốn. Gần đây, chị H. nghe một người bạn giới thiệu phương pháp giảm cân không xâm lấn, chỉ cần tiêm 1 lần, mỡ sẽ tự động hóa lỏng và bụng thon gọn.

Người phụ nữ này tới spa tiêm dung dịch không rõ tên vào bụng dưới và 1 tuần sau xuất hiện các dấu hiệu đau, sưng, nổi nhiều nốt đỏ. Chị H. đến một cơ sở y tế để tiêm và rạch các nốt viêm rút mủ nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn.

Tin tức Đời sống 31/10: Trẻ nguy kịch vì cha mẹ tự làm bác sĩ- Ảnh 1.

Bác sĩ mổ cấp cứu cho nữ bệnh nhân.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Phụ trách khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, bệnh nhân bị áp-xe bụng sau tiêm tan mỡ. Di chứng để lại là tình trạng bụng lồi lõm, xơ cứng phần bụng dưới. Ê-kíp đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật xử lý và kết hợp hút tạo hình thành bụng, cắt toàn bộ da mỡ bụng dưới.

Nam bác sĩ khuyến cáo các quảng cáo làm đẹp thần tốc, tiêm tan mỡ, mỡ sẽ được thải ra bằng đường tiết niệu, nước tiểu có lớp váng mỡ nổi lên… không có tác dụng còn gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc giảm cân nội khoa hay ngoại khoa cần có lộ trình và được bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc thẩm mỹ thăm khám.

Nguy cơ mắc cúm khi thời tiết giao mùa

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa do chủng cúm A (H1N1), hay còn gọi là chủng cúm lợn - là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A (H1N1), các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A (H3N2), cúm B và cúm C.

Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc cúm, bao gồm 3 - 5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc, với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A (H1N1).

Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Trong tháng 10, nước ta đã ghi nhận trường hợp tử vong nhiễm virus cúm A (H1N1) ở bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền tại tỉnh Bình Định. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa.

Tham khảo thêm
Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 dự kiến của học sinh 63 tỉnh, thànhLịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 dự kiến của học sinh 63 tỉnh, thành

T.M (tổng hợp)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tin-tuc-doi-song-3110-tre-nguy-kich-vi-cha-me-tu-lam-bac-si-a80834.html