Nhận định trên được Shark Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Go Global Holdings kiêm Chủ tịch Go Global Franchise Fund, chia sẻ bên lề sự kiện Triển lãm Quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu (VietRF) 2024, diễn ra từ ngày 31/10 đến 2/11 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), do COEX và Retail & Franchise Asia đồng tổ chức.
Sự kiện quy tụ hơn 300 gian hàng và 250 thương hiệu từ 15 quốc gia, giúp kết nối và giới thiệu các xu hướng nhượng quyền, cũng như những giải pháp công nghệ cửa hàng toàn diện. Bên cạnh đó là chuỗi hội thảo “Trải nghiệm nhượng quyền quốc tế” có sự tham gia của nhiều chuyên gia và doanh nhân hàng đầu, trong đó có Shark Phi Vân.
Thị trường nhượng quyền tại Việt Nam "còn non xanh"
Theo công ty nghiên cứu thị trường Technavio, tổng giá trị thị trường nhượng quyền toàn cầu dự kiến tăng từ 2,9 nghìn tỷ USD năm 2023 lên 4,3 nghìn tỷ USD đến năm 2027, tức là tăng hơn 48% chỉ trong 4 năm. Trong khi đó, từ năm 2017 đến 2023, tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 20,8%.
Shark Phi Vân cho biết nguyên nhân chủ yếu là các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau Covid. Do đó, nguồn đầu tư từ bất động sản, tiền ảo, chứng khoán, trái phiếu được chia sẻ sang cho kênh nhượng quyền, bởi mức độ rủi ro được cho là thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng sa thải lao động do nhu cầu tái cấu trúc của các tập đoàn lớn hậu Covid cũng tạo ra một làn sóng lao động không tìm được việc làm, nên chuyển hướng sang tự kinh doanh.
“ Việt Nam, với thị trường đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về dân số chỉ sau Indonesia và Philippines, đương nhiên trở thành thị trường mục tiêu của tất cả các thương hiệu nhượng quyền quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu châu Á ”, Shark Phi Vân chỉ ra.
Tuy nhiên, nữ “cá mập” của Shark Tank Việt Nam đánh giá Việt Nam là thị trường nhượng quyền “còn quá non xanh”, do đó tồn tại 2 vấn đề có thể xem là “huyệt tử” trong nhượng quyền thành công.
“ Thứ nhất là doanh nghiệp nhượng quyền chưa hiểu đúng và xây dựng nền tảng nhượng quyền đủ chuyên nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư tham gia. Thứ hai, vì nhượng quyền còn quá mới nên rất nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết về ngành, dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết trong hợp tác ”, Chủ tịch Go Global Holdings phân tích.
Lời khuyên của bà là các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống nhượng quyền bài bản, không nên “làm đại làm càn, học lỏm, sai tới đâu sửa tới đó”. Thứ hai là cần thận trọng trong việc lựa chọn đối tác, đừng vì khao khát mở rộng nhanh mà ký kết với bất kỳ ai đang có tiền và có ý định đầu tư. Ba là cần tự phát triển và mở rộng thị trường Việt Nam song song với nhượng quyền, không nên coi nhượng quyền là kênh phát triển duy nhất.
Bài học từ cuộc "đổ bộ" của Mixue
Một trong những case study nhượng quyền được chú ý nhất không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên phạm vi quốc tế là Mixue – thương hiệu kem và trà sữa đến từ Trung Quốc. Có mặt tại Việt Nam vào năm 2018, chỉ chưa đầy 5 năm sau Mixue đã chạm mốc 1.000 cửa hàng, với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng năm 2023, tăng hơn 160% so với năm 2022 (số liệu của Vietdata).
“ Mặc dù Mixue đã tạo ra không ít drama tại thị trường Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nhượng quyền đã giúp một thương hiệu Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trà sữa Việt Nam. Đó chẳng phải là bài học về việc ứng dụng nhượng quyền để phát triển quốc tế thành công đó sao?
Các thương hiệu quốc tế đang phủ sóng ngành F&B tại Việt Nam, từ những cái tên đình đám như McDonald’s, KFC, Starbucks hay Domino’s đến một loạt thương hiệu ẩm thực Hàn, Nhật, Trung, Thái Lan… đều đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam qua hình thức nhượng quyền. Không chỉ ẩm thực, các ngành bán lẻ, giáo dục, dịch vụ, tài chính đều như thế ”, Shark Phi Vân nêu quan điểm.
Theo bà, việc một thương hiệu Trung Quốc phủ khắp thị trường Việt Nam liên quan đến cách vận dụng mô hình hiệu quả.
“ Thay vì trách cứ tại sao họ chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp Việt nên học cách học nhanh hơn, ứng dụng bài bản hơn và lớn nhanh hơn để có thể chiếm lại thị trường nội địa, cũng như cạnh tranh được với thương hiệu của họ tại thị trường quốc tế ”, Shark Phi Vân cho biết.
Tuy nhiên, các thương hiệu cũng phải cẩn trọng trước rủi ro sập hệ thống khi nhượng quyền quá nhanh tại thị trường nội địa. Shark Phi Vân cho biết nhiều doanh nghiệp Việt chưa hiểu đúng và đủ về nhượng quyền, chưa đầu tư xây dựng nền tảng chuyên nghiệp, nhưng lại xem nhượng quyền như kênh doanh thu chính.
“ Khi chỉ tập trung vào việc bán nhượng quyền để có doanh thu, nhưng lại không có hệ thống hỗ trợ đủ mạnh và chuyên nghiệp, thì phát triển càng nhanh thương hiệu càng dễ thất bại. Đây là rủi ro lớn nhất và dẫn đến thất bại nhiều nhất tại thị trường Việt Nam ”, bà lý giải.