TGĐ FPT: 1 người Việt Nam phải bằng 3 người Ấn Độ thì may ra đội ngũ nhân sự mới bằng họ

FPT vừa thắng tập đoàn Ấn Độ để trúng gói thầu 225 triệu USD trong 3 năm. Đội ngũ FPT rất nhiều lần bàn bạc về việc làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ và làm sao để vượt qua Ấn Độ.

“Tập đoàn FPT vừa vượt qua một tập đoàn Ấn Độ để trúng gói thầu 225 triệu USD ( ~ 5.600 tỷ đồng) trong 3 năm để thực hiện các công tác hỗ trợ chuyển đổi số cho một công ty ở Mỹ . Đây là nỗ lực rất lớn của FPT và cả Việt Nam, để vượt qua quốc gia rất mạnh về công nghệ hiện nay là Ấn Độ”, chia sẻ đáng chú ý của ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.

AI, bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây cùng nhiều công nghệ mới khác đang trở thành những công cụ sản xuất quan
trọng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tạo ra những biến đổi sâu sắc và hình thành phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số.

Trong số đó, riêng công cụ giúp doanh nghiệp (DN) hoạch định nguồn lực từ tài chính, con người đến sản xuất – ERP - cũng đã có thị trường riêng, trị giá 49,5 tỷ USD với tăng trưởng CAGR hơn 13%.

Báo cáo mới đây từ 1C Media và FPT Digital ghi nhận, thị trường ERP toàn cầu đang chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, doanh thu toàn cầu của phần mềm ERP đã tăng 9%, đạt mức 39 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua 49,5 tỷ USD vào năm 2024.

Theo đại diện 1C Media, thị trường ERP tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, song song với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của các DN.  Khi, " ERP không chỉ là một công cụ hỗ trợ quản lý mà còn là một chiến lược quan trọng để doanh nghiệp tăng trưởng. Việc ứng dụng ERP mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành lên đến 16%, tăng năng suất lao động 27%, và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng ”.

TGĐ FPT: 1 người Việt Nam phải bằng 3 người Ấn Độ thì may ra đội ngũ nhân sự mới bằng họ- Ảnh 1.

Ảnh: Đại diện 1C Media chia sẻ về ERP.

Trong sứ mệnh thúc đẩy ngành công nghệ Việt phát triển cũng như đồng hành chuyển đổi số cùng DN, cái thiếu lớn nhất của FPT chính là nguồn nhân lực. Ông Khoa nói: "Đội ngũ FPT rất nhiều lần bàn bạc về việc làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ và làm sao để vượt qua Ấn Độ - cường quốc xuất khẩu phần mềm và nhân sự phần mềm".

Ông Khoa ví von: "1 người Việt Nam phải bằng 3 người Ấn Độ thì may ra mới bằng họ". Tuy nhiên, cá nhân ông Khoa cho rằng, nhân lực Việt Nam không hề thua kém Ấn Độ.

Để giải quyết bài toán trên, bên cạnh việc tuyển dụng nhân sự, FPT cũng đã và đang đẩy mạnh đào tạo. Năm nay, Đại học FPT được biết đã tuyển 2.000 tân sinh viên học về ngành bán dẫn cho cả khối đại học và cao đẳng. Đây là nguồn lực nhân sự số chất lượng cao cho tương lai. FPT cũng đang đào tạo dài hạn về chuyển đổi số, dữ liệu từ đội ngũ giáo dục của Tập đoàn.

Ông Khoa cũng tiết lộ FPT dự kiến xây nhà máy AI ở Đà Nẵng.

Hồi tháng 4/2024, FPT đã công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA - Tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới để thúc đẩy nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu.

Theo Biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA (bao gồm bộ ứng dụng- khung công nghệ phát triển NVIDIA AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core).

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tgd-fpt-1-nguoi-viet-nam-phai-bang-3-nguoi-an-do-thi-may-ra-doi-ngu-nhan-su-moi-bang-ho-a80903.html