Vì sao doanh nghiệp thiếu vốn nhưng ngại vay ngân hàng?

Bên cạnh doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp thì nhiều doanh nghiệp chỉ muốn bán hàng, lấy tiền quay vòng sản xuất, không muốn vay thêm vì kéo theo chi phí tăng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (NHNN), lãi suất cho vay hiện nay không quá 4%/năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các tháng cuối năm, khi nhu cầu vốn chuẩn bị nguồn hàng, đầu tư sản xuất rất lớn.

Trên địa bàn TP.HCM có 17 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình kết nối với doanh nghiệp, tổng vốn hơn 509.800 tỷ đồng từ đầu năm 2024. Con số giải ngân đến nay đạt hơn 425.600 tỷ đồng, bằng 83,4% quy mô gói hỗ trợ các ngân hàng cam kết.

Vì sao doanh nghiệp thiếu vốn nhưng ngại vay ngân hàng?- Ảnh 1.

Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay không quá 4%/năm, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho sản xuất kinh doanh cuối năm. (Ảnh: TL)

Riêng lĩnh vực xuất khẩu, trong tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay bằng tiền đồng đạt hơn 105.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn (bao gồm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn tín dụng.

Lý do doanh nghiệp vẫn than vốn

Tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM do NHNN - chi nhánh TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 31/10, nhiều doanh nghiệp tiếp tục mong được vay vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đáp ứng sản xuất.

Ông Bill Nguyen - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu Cainver ở Quận 1, cho biết doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong xuất khẩu đồ gỗ, dù thị trường chung 1-2 năm gần đây có giảm, nhưng nhu cầu về hàng nội thất của khách các thị trường Âu - Mỹ rất cao. Tuy nhiên, để vay vốn ưu đãi, doanh nghiệp của ông khá chật vật.

Lý do, doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn thường thế chấp bằng chính các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và thời gian hưởng mức lãi ưu đãi thường ngắn hơn thời gian bán hàng. Cụ thể như đơn hàng ông ký với đối tác trong 6 -12 tháng, nhưng lãi suất vay ưu đãi thường ngắn hạn 3-6 tháng.

Ông cho biết nhiều đơn hàng khi hoàn tất, thu tiền mất hơn 1 năm nên thời gian doanh nghiệp phải chịu lãi suất thả nổi khá dài. Mức lãi doanh nghiệp này phải chịu thường 7-9%/năm.

"Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định từ phía ngân hàng, thay vì chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi trong thời gian ngắn rồi chịu lãi thả nổi theo thị trường. Chi phí vốn cao như thế khiến giá thành sản xuất đội rất cao", ông Bill Nguyen cho biết.

Vì sao doanh nghiệp thiếu vốn nhưng ngại vay ngân hàng?- Ảnh 2.

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc VinaFor Saigon Jco, lo giá đất ở TP.HCM rất cao khiến doanh nghiệp trụ không nổi. (Ảnh: P.Q)

Với doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện vay vốn đã khó, những doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó gấp nhiều lần.

Bà Lê Thị Thúy Vân, Giám đốc điều hành doanh nghiệp đang thực hiện dự án nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM, cho biết doanh nghiệp rất khó khăn trong xoay sở vốn phát triển dự án. Lý do, dự án đã đầu tư chưa thể thu hồi vốn, muốn làm dự án mới thì không có vốn, nhưng tiếp cận tín dụng lại không đủ điều kiện, do vậy 6 năm nay, doanh nghiệp luôn loay hoay.

Tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng 2 tuần trước, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết vấn đề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến họ khó tiếp cận vốn vay liên quan đến tài sản thế chấp, các thủ tục khác như dòng tiền, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp…

Theo ông Phát, ACB đã cam kết 5.000 tỷ đồng với chi phí lãi vay khoảng 5% để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng này còn có chương trình tín dụng xanh quy mô 4.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn và trung - dài hạn từ 5,7%/năm.

Không chỉ cho vay, ngân hàng còn đưa ra giải pháp tư vấn, hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất thời gian tới, nhất là 2 tháng cuối năm.

Doanh nghiệp đủ điều kiện lại không muốn vay vốn

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp do NHNN và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức trước đó, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức, CEO Tổng công ty XNK Nam Thái Sơn, cho rằng thực tế bây giờ doanh nghiệp có đơn hàng, có kế hoạch sản xuất tốt là ngân hàng cho vay, việc xét duyệt các điều kiện vay vốn không khó khăn lắm. Tuy nhiên, lãi suất như mong muốn là rất khó, nên doanh nghiệp vẫn cân nhắc, chọn ngân hàng ưu đãi nhất mới dám vay.

“Doanh nghiệp rất thận trọng vay vốn. Chúng tôi chỉ muốn bán hàng, lấy tiền về quay vòng sản xuất chứ không muốn vay thêm, vì vay thêm thì kéo theo chi phí tăng” , ông Việt Anh nói.

Vì sao doanh nghiệp thiếu vốn nhưng ngại vay ngân hàng?- Ảnh 3.

Ở thời điểm giá nguyên liệu lên cao nhưng đơn hàng ít, giá bán khó tăng khiến doanh nghiệp ngại vay vốn vì lo đội thêm chi phí. (Ảnh minh họa: H.L)

Theo ông Việt Anh, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, khách hàng ổn định lúc này thường không muốn vay vốn thêm. Nếu vay thì doanh nghiệp đặt trọng tâm tiếp cận những ngân hàng nào chính sách tốt, lãi suất tốt, hỗ trợ dài. Nhưng tìm ngân hàng cho chính sách tốt không dễ.

Cách để hạn chế thiếu vốn sản xuất là doanh nghiệp cố gắng tiếp cận, bán hàng với những khách hàng mà họ cọc lớn hoặc trả trước một phần tiền.

Không chỉ chi phí vốn cao khiến doanh nghiệp ngại đầu tư mà việc giá đất tăng cũng khiến doanh nghiệp chật vật tính toán lại giá thành sản xuất. Ông Tô Ngọc Ngời, Phó chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn - VinaFor Saigon Jco, cho rằng mức giá đất hiện tại ở TP.HCM rất cao khiến doanh nghiệp trụ không nổi. Vì giá đất cao đẩy giá đầu vào sản phẩm lên cao, rất khó cho doanh nghiệp.

Ông Thời nói cùng một ngành hàng, nếu so với chi phí sản xuất của doanh nghiệp Malaysia thì giá sản xuất của Việt Nam cao hơn. Một phần lý do đội giá thành là giá đất quá cao, trong khi thời điểm này, TP.HCM bắt đầu áp dụng mức giá đất mới tăng gấp nhiều lần giá đất cũ.

Ông cho rằng điều này là bất lợi lớn và đơn hàng đã hiếm nay sẽ dễ rơi vào tay các đối thủ nếu không có các chính sách hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp kịp thời.

Cũng là một doanh nghiệp xuất khẩu, ông Bill Nguyen cho rằng giá đất tăng rõ ràng đội chi phí sản xuất tăng cao. Thời điểm này, các doanh nghiệp gần như đã chốt xong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm 2024 và đang bắt đầu cho năm 2025, thị trường đã phát những tín hiệu tích cực của sự hồi phục khi khách hàng ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ đang quay trở lại đặt hàng. Doanh nghiệp rất cần nguồn lực, đặc biệt là vốn rẻ để chạy đà cho năm 2025 ngay từ đầu năm.

Từ đầu năm đến nay, NHNN chi nhánh TP.HCM cùng Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp và các quận, huyện đã tổ chức 31 hội nghị đối thoại, ký kết cho vay vốn.

Trong đó, đã ký kết cho vay trực tiếp tại hội nghị với tổng số tiền hơn 58.100 tỷ đồng với 4.495 khách hàng doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết Agribank đang đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Trong đó, gói đặc thù cho nhóm doanh nghiệp nông thủy sản, chế biến, nhập khẩu nguyên phụ liệu quy mô 20.000 tỷ đồng có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm kỳ hạn dưới 3 tháng. Và ông mong doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các hợp tác xã tìm hiểu và kết nối với ngân hàng.

Hiện lãi suất tiết kiệm tại Agribank kỳ hạn 1-2 tháng là 2,2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng 2,7%/năm, các kỳ hạn từ 6-11 tháng 3,2%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng 4,7%/năm, kỳ hạn 24 tháng cao nhất là 4,8%/năm.

Như vậy, mức lãi suất cho vay 2,6%/năm với gói tín dụng mà Agribank tung ra hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đang thấp hơn lãi suất huy động tại ngân hàng này ở kỳ hạn 3-5 tháng.


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/vi-sao-doanh-nghiep-thieu-von-nhung-ngai-vay-ngan-hang-a80950.html