The Moneyverse tập 6 đã phổ cập khái niệm “Tín dụng đen” đến với thế hệ nhà đầu tư tương lau là GenZ. Ghi nhận, các đội tham gia tập này đến từ Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Quốc Tế Miền Đông.
Ban giám khảo là những người dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính gồm PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Chuyên gia tài chính cá nhân, TS Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV); Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI; TS Trần Vinh Dự - Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam.
Đặc biệt, The Moneyverse lần này có sự tham gia ở vị trí bình luận viên của Tina Thảo Thi - Nhà sáng tạo nội dung đang có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và thu hút được rất nhiều giới trẻ quan tâm. “ Tôi chỉ là người có một cái nhìn khách quan trong việc đầu tư tài chính, và tôi nghĩ đầu tư sẽ không có đúng sai, chẳng qua mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau thông qua đó” , Tina Thảo Thi chia sẻ.
Với từ khoá “Tín dụng đen”, TS Trần Vinh Dự - Phó Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam - giải nghĩa: “Đối với khái niệm tín dụng đen, tôi chỉ có 3 thứ cần quan sát mà tôi muốn mọi người dễ nhớ. Thứ nhất là chủ động dụ dỗ, thứ hai là lãi suất “cắt cổ”, thứ ba là thủ đoạn bất minh”.
TS Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - bổ sung: “Chúng ta hiểu nôm na, tín dụng đen là loại tín dụng không qua các tổ chức tín dụng chính thức được cấp phép và lãi suất rất cao”.
Nhận xét về phần tham gia của các bên, PGS. TS Đỗ Hoài Linh đánh giá cao Trường Đại học Quốc tế Miền Đông có nêu lên được hình thức cho vay trực tuyến, trực tiếp và đề cập đến hệ quả của việc không trả được nợ là sự tấn công, khủng bố và gây rủi ro tính mạng. Chính vì thế, đội giành chiến thắng nhận được nhiều đạn nhất trong vòng này là Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, sau đó là Trường Đại học Tài chính - Marketing và Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phần hai, chương trình cung cấp một bối cảnh giả định để các đội chơi cùng đánh giá và phân bổ Monee. Bối cảnh được chương trình đưa ra: GDP năm liền trước thấp nhất trong nhiều thập kỷ, do ảnh hưởng thiên tai, song đang hồi phục. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh trên 20%. Thị trường chứng khoán có năm tăng trưởng rất tốt với các chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng. Kinh tế đang phục hồi tốt sau thiên tai, song lạm phát vẫn cao.
Các đội chơi thực hiện phân bổ như sau:
+ Trường Đại học Tài chính - Marketing phân bổ 40% kim loại quý, 20% cổ phiếu hàng tiêu dùng và bán lẻ, 10% cổ phiếu tài chính, 10% cổ phiếu điện và 20% dầu mỏ với mong muốn lợi nhuận thu về 20 đến 30%.
+ Trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực hiện danh mục phân bổ nguồn tài sản là 20% kim loại quý, 10% cổ phiếu điện, 10% căn hộ chung cư, 10% tiền mặt, 15% cổ phiếu hàng tiêu dùng và bán lẻ, 20% cổ phiếu tài chính và 15% gửi tiết kiệm.
+ Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định phân chia 10% kim loại quý, 20% cổ phiếu hàng tiêu dùng và bán lẻ, 30% cổ phiếu tài chính, 20% cổ phiếu điện, 10% dầu mỏ và 10% gửi tiết kiệm.
Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội được TS Nguyễn Xuân Quang đánh giá cao về mặt logic cũng như bám sát bối cảnh chương trình đưa ra. Cụ thể, các đại diện đã thực hiện được đa dạng hóa danh mục đầu tư và hạn chế rủi ro, nền kinh tế đang tốt nên đầu tư vào cổ phiếu. Song, TS Nguyễn Xuân Quang vẫn nhắc nhở rằng nếu nền kinh tế đang lạm phát cao thì cần cân nhắc danh mục gửi tiết kiệm và nên gửi ngắn hạn.
Được biết, The Moneyverse là sân chơi thực tế cho các bạn trẻ, nếu chiến thắng sẽ nhận được 1 tỷ đồng đầu tiên cùng cơ hội làm việc tại các định chế tài chính hàng. BIDV và SSI là 2 đối tác chiến lược đồng hành xuyên suốt chương trình.