Gần 10,8 triệu tỷ đồng đổ vào ngân hàng, có nơi trả 'lãi suất đặc biệt'

Theo thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, trong quý III vừa qua, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại đây đã tăng 7,2%, đạt gần 10,8 triệu tỷ đồng. Một số ngân hàng niêm yết "lãi suất đặc biệt" dành cho khách VIP, vượt mốc 7%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
306 bài viết
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Tại: Tìm cách hạ nhiệt tỷ giá

Nằm trong khối ngân hàng quốc doanh, BIDV dẫn đầu về lượng tiền gửi , đạt hơn 1,87 triệu tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9, tăng 169.035 tỷ đồng (9,9%) so với đầu năm.

Hai thành viên còn lại khối quốc doanh VietinBank và Vietcombank lần lượt nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư tiền gửi lần lượt ở mức 1,51 triệu tỷ đồng và 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% và 2,5% so với đầu năm.

Agribank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III, tuy nhiên, theo báo cáo bán niên, tiền gửi vào cuối tháng 6 của ông lớn này đạt 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% hay khoảng 16.900 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng cổ phần, MB dẫn đầu tiền gửi với số dư đạt 627.567 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm ngoái. Những vị trí tiếp theo thuộc về Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, SHB và HDBank.

Gần 10,8 triệu tỷ đồng đổ vào ngân hàng, có nơi trả 'lãi suất đặc biệt'- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm thấp nhưng dòng tiền người dân vẫn chảy vào hệ thống ngân hàng (ảnh: Như Ý).

Tính đến ngày 30/9, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm là SaigonBank, PVcomBank và ABBank. Trong đó, số dư tiền gửi của SaigonBank tiếp tục giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý II. SaigonBank tiếp tục là ngân hàng nhận ít tiền gửi nhất.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số là NCB (tăng 17,6% hay 13.505 tỷ đồng), LPBank (tăng 14,3% hay 33.911 tỷ đồng), MSB (tăng 12,2% hay 16.121 tỷ đồng), Sacombank (tăng 11%, hay 55.980 tỷ đồng)...

Tiền gửi của người dân vẫn chảy vào ngân hàng trước làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên cao nhất là 6,2%/năm.

Tuy nhiên mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với cuối năm 2023 nhưng cũng không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Một số ngân hàng niêm yết "lãi suất đặc biệt" dành cho khách VIP, vượt mốc 7%/năm. Tuy nhiên, để được nhận được mức lãi suất này, khách cần đáp ứng một số điều kiện đặc biệt.

Dù vậy, lãi suất huy động tại các ngân hàng sang quý IV đang có dấu hiệu chững lại, không còn những đợt điều chỉnh tăng liên tiếp như trong các tháng trước.

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank cho thấy, xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, đặc biệt khi kinh tế chịu tác động từ những trận thiên tai gần đây.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và có cấu trúc huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực cao hơn trong việc giữ ổn định lãi suất huy động.

Từ ngày 20/11 tới, Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức, như bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác, không đúng với quy định của pháp luật. Các tổ chức tín dụng cũng phải niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại địa điểm giao dịch và đăng tải trên trang thông tin của ngân hàng.

Những quy định mới này được chuyên gia đánh giá sẽ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tạo sự minh bạch góp phần ổn định lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng vì thế cũng sẽ cần điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh mạnh mẽ hơn, thậm chí tăng lãi suất để thu hút khách hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lượng tiền gửi ngân hàng vẫn tăng cao, phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán... Hiện, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng…

“Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn", ông Hiếu nói.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/gan-108-trieu-ty-dong-do-vao-ngan-hang-co-noi-tra-lai-suat-dac-biet-a81404.html