Tin tức Đời sống 8/11: Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da

Cập nhật tin tức đời sống ngày 8/11: Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da; Ô nhiễm không khí liên quan đến học tập và trí nhớ kém ở trẻ em...

Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ngứa, nổi mẩn đỏ khắp người như muỗi đốt cũng là dấu hiệu của một số bệnh khác, không chỉ là bệnh ngoài da; đây là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm tàng.

- Dị ứng thuốc, thức ăn: Ngứa và nổi mẩn trên da là dấu hiệu thường gặp khi bệnh nhân dị ứng thuốc ở mức độ nhẹ, có thể tự khỏi sau vài ngày hoặc sau khi ngừng thuốc. Trường hợp nặng, nốt mẩn đỏ xuất hiện toàn thân kèm theo khó thở, toàn thân tím tái…

- Lupus ban đỏ: Với người mắc bệnh này, ngứa và mẩn đỏ thường xuất hiện trên mặt. Bệnh xảy ra lúc hệ miễn dịch tấn công những tế bào khỏe mạnh trên da và gây viêm; ở mức độ nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng như suy tim, suy thận…

- Bệnh ở gan: Khi "nhà máy" lọc độc tố ra khỏi cơ thể là gan hoạt động kém, độc tố có thể tàng trữ trong cơ thể ra gây triệu chứng trên da. Người bệnh có thể bị nổi mẩn đỏ như muỗi cắn ở vùng lưng, ngực hoặc toàn thân.

- Nhiễm giun sán: Ngoài mẩn đỏ trên da, người bệnh còn ngứa ngáy liên tục. Có thể do lúc ấu trùng sán sau khi vào cơ thể sẽ chui qua thành ruột rồi đi vào trục đường máu, kích thích hệ miễn gia tăng IgE và gây ra dị ứng.

- Bệnh tuyến giáp: Người bệnh suy giáp ngoài mệt mỏi, táo bón, tăng cân còn bị nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt trên da.

- Nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt cũng có thể xảy ra do sốt xuất huyết, tiểu đường, thậm chí HIV…

Khi thấy tình trạng ngứa, nổi mẩn tác động đến giấc ngủ; mẩn đỏ và ngứa lan rộng ra toàn thân; da có dấu hiệu nhiễm trùng như xuất hiện mủ, vùng da mắc bệnh bị sưng đỏ hay mẩn đỏ đi kèm những triệu chứng sốt đau bụng, đi tả, khó thở, người dân cần đi khám sớm.

Ô nhiễm không khí liên quan đến học tập và trí nhớ kém ở trẻ em

Theo Neuroscience News, thành phần cụ thể của ô nhiễm hạt bụi mịn, hay PM2.5, là amoni nitrat, cũng đã được cho là tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ ở người lớn.

Điều này cho thấy PM2.5 trong không khí có thể gây hại cho chức năng nhận thức thần kinh suốt đời.

Amoni nitrat được hình thành khi khí amoniac và axit nitric, sản phẩm của các hoạt động nông nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch, tương tác trong khí quyển. Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives.

"Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu chi tiết hơn về các nguồn gốc và thành phần hóa học của các hạt bụi", tác giả chính Megan Herting, giáo sư tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California, cho biết.

"Điều đó cho thấy việc hiểu rõ các chi tiết này là rất quan trọng để đưa ra các quy định về chất lượng không khí và hiểu rõ những tác động lâu dài đến nhận thức thần kinh".

Trong vài năm gần đây, Herting đã làm việc với dữ liệu từ nghiên cứu não bộ lớn nhất trên toàn nước Mỹ, được gọi là Nghiên cứu Phát triển nhận thức não bộ thanh thiếu niên (ABCD), để hiểu cách PM2.5 có thể ảnh hưởng đến não.

PM2.5, một chỉ số quan trọng về chất lượng không khí, là hỗn hợp của bụi, bồ hóng, hợp chất hữu cơ và kim loại có kích thước hạt nhỏ hơn 2,5 micromet đường kính. PM2.5 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Đốt nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn PM2.5 lớn nhất, đặc biệt ở các khu vực đô thị, nhưng các nguồn khác như cháy rừng, nông nghiệp và phản ứng hóa học cũng đóng vai trò quan trọng.

Tin tức Đời sống 8/11: Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da- Ảnh 1.

PM2.5 trong không khí có thể gây hại cho chức năng nhận thức thần kinh suốt đời (ảnh: Freepik).

Năm 2020, Herting và các đồng nghiệp đã công bố một bài báo trong đó họ xem xét PM2.5 nói chung và tác động tiềm ẩn của nó đối với nhận thức ở trẻ em, nhưng không tìm thấy mối liên hệ nào.

Trong nghiên cứu này, họ đã sử dụng các kỹ thuật thống kê đặc biệt để xem xét 15 thành phần hóa học của PM2.5 và các nguồn gốc của chúng. Lúc đó, amoni nitrat - thường là kết quả của các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi - đã nổi lên như một nguyên nhân chính.

"Dù chúng tôi xem xét thế nào, dù là riêng lẻ hay cùng với các chất ô nhiễm khác, phát hiện mạnh mẽ nhất là các hạt amoni nitrat có liên quan đến khả năng học tập và trí nhớ kém hơn - Herting cho biết - Điều này cho thấy rằng tổng thể PM2.5 là một yếu tố, nhưng đối với nhận thức, nó là sự kết hợp của các tác động từ những gì bạn tiếp xúc".

Trong dự án tiếp theo, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm hiểu cách các hỗn hợp và nguồn gốc này có thể ảnh hưởng đến các cá nhân khác biệt trong các kiểu hình não bộ, trong quá trình phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên.

Bộ Y tế bác bỏ thông tin sử dụng muối i-ốt có nguy cơ bị cường giáp

Bộ Y tế cho biết, lập luận thiếu cơ sở khoa học, bằng chứng của một số cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian qua đưa ra gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến các nỗ lực của ngành y tế trong phòng, chống các các rối loạn thiếu i-ốt và đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm, tại Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa i-ốt.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy, ở tất cả các nhóm đối tượng, mức trung vị i-ốt niệu đều thấp hơn so với khuyến cáo. Tỷ lệ người có nồng độ i-ốt niệu vượt quá ngưỡng 300 ppm là 0%.

"Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam vẫn còn chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Cho đến nay, chưa có một y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối i-ốt toàn dân (từ năm 1994- đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp", Bộ Y tế khẳng định.

Bản thân thiếu i-ốt hoặc i-ốt cao gây ra các bệnh về tuyến giáp cũng được xếp vào hậu quả của thiếu i-ốt, đây là đánh giá xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trên vùng thiếu i-ốt nặng sẽ gây ra tăng tỷ lệ cường giáp trên những nhân tuyến giáp tự miễn và trên những người bị cường giáp dưới lâm sàng khi thực hiện bổ sung i-ốt.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cây dại mọc đầy ở Việt Nam, ra nước ngoài bán hơn nửa triệu/kgCây dại mọc đầy ở Việt Nam, ra nước ngoài bán hơn nửa triệu/kg

T.M (tổng hợp)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tin-tuc-doi-song-811-ngua-canh-bao-tinh-trang-nguy-hiem-khong-chi-la-benh-ngoai-da-a81940.html