Bà Trương Mỹ Lan "đòi" SCB 5.000 tỷ đồng, xin lại nhiều tài sản hàng chục tỷ

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, bản thân không biết luật, chỉ biết kinh doanh, đầu tư và chưa bao giờ cần tiền cho riêng bị cáo mà tiền đó là cho anh em SCB.

Ngày 7/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

Trình bày nội dung kháng cáo, phần lớn các bị cáo mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt với lý do bản thân chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo, chịu áp lực từ cấp trên và mong muốn "vực dậy" SCB thời điểm khó khăn khi tái cơ cấu.

Tại phiên xử chiều 7/11, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bày tỏ nguyện vọng xin giữ lại biệt thự cổ tại địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần. Bên cạnh đó, bà Lan còn đề nghị được nhận lại các tài sản bao gồm nhà số 78 Nguyễn Huệ; nhà số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ (hiện đang cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) thuê làm trụ sở); nhà đất số 24 Lê Lợi; nhà đất số 21-21A Trần Cao Vân; nhà đất số 193 Trần Hưng Đạo, nơi đặt trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (cùng toạ lạc TP HCM).

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét để bà được nhận lại 5.000 tỷ đồng đã góp vào SCB nhằm tăng vốn điều lệ nhưng chưa kịp hoàn tất trước khi bà bị bắt. Bà Lan cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan kêu oan, nói chưa bao giờ cần tiền, tiền đó là

Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: SGGP

Trả lời vấn đề này, đại diện SCB cho biết ngân hàng hoàn thành các thủ tục để tăng vốn điều lệ năm 2021. Số tiền 5.000 tỷ đồng nói trên đã hòa vào dòng tiền chung, nhưng hiện chưa có giấy chứng nhận tăng vốn.

Tại toà, phía SCB trình bày 5 nội dung kháng cáo. Trong đó có nội dung yêu cầu Công ty Tuần Châu hoàn trả hơn 6.000 tỷ đồng.

Trên Vietnamnet dẫn thông tin tại toà thể hiện phía bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định không đồng ý vì cho rằng những yêu cầu này "không đúng quy định pháp luật". Cụ thể, theo bà Lan, khoản tiền 6.000 tỷ đồng mà SCB yêu cầu Công ty Tuần Châu phải hoàn trả là số tiền mà Công ty Cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc (do ông Đào Hồng Tuyển sở hữu) đã vay mượn từ bà, và không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của SCB.

Bà Trương Mỹ Lan xin lại tòa nhà Timesquare, tâm huyết của chồng Chu Lập Cơ

Tại phiên toà trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, đã có đơn đề nghị thi hành án chủ động để khắc phục hậu quả vụ án gửi đến Cục THADS TPHCM. Theo đơn đề nghị, bản án sơ thẩm giai đoạn 1 ngày 11/4 buộc bà Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.849 tỷ đồng (480.679 tỷ đồng tiền gốc và 193.169 tỷ đồng tiền lãi).

Bản án sơ thẩm giai đoạn 2 ngày 17/10/2024 buộc bà Lan phải bồi thường hơn 30.092 tỷ đồng cho các bị hại.

Bà Lan kính đề nghị Cục THADS TPHCM quan tâm, tạo điều kiện cho bà được thực hiện thi hành án chủ động theo nguyện vọng nhằm khắc phục hậu quả vụ án triệt để và nhanh chóng.

Trong phần xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TPHCM và luật sư bào chữa trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin Hội đồng xét xử hãy thông cảm và khoan dung cho bị cáo. Báo Lao Động dẫn lời bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, bản thân không biết luật, chỉ biết kinh doanh, đầu tư và chưa bao giờ cần tiền cho riêng bị cáo mà tiền đó là cho anh em SCB.

ANTV thuật lại tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng tài sản của bị cáo đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực tế. Cụ thể, đối với 1.121 mã tài sản Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá 295.000 tỉ đồng, là chỉ 60% giá trị tài sản. Bị cáo Lan cho rằng chỉ 4 dự án lớn của bà, Công ty Hoàng Quân định giá đã chênh lệch 190.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan kêu oan, nói chưa bao giờ cần tiền, tiền đó là

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa - Ảnh: Người lao động

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết bị cáo có đơn xin được tham gia vào việc xử lý tài sản để thu hồi tài sản tối ưu nhất. Bị cáo Lan không đồng ý để SCB xử lý tài sản vì cho rằng SCB không có kinh nghiệm xử lý tài sản. SCB sẽ xử lý theo quy trình của ngân hàng, phát mãi từng sổ như vậy sẽ trở lại trạng thái như lúc đầu, lãng phí tài sản quốc gia. Bị cáo này cũng xin hội đồng xét xử xem xét lại tội danh tham ô.

Tại phiên tòa, báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời khai của bà Lan cho rằng thời điểm năm 2012, SCB gặp khó khăn, bà đã thế chấp khách sạn 5 sao Windsor cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để vay 15.000 tỷ đồng cho SCB.

Nhưng do Ngân hàng Nhà nước cho vay với thời gian rất ngắn, chỉ 1 năm nên sau đó bà phải thế chấp thêm các tài sản khác, trong đó có tòa Timesquare để vay tiền trả khoản nợ tái cơ cấu SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định không thế chấp dự án 6A (Trung Sơn, Bình Chánh) cho SCB. Trong khi đó, tòa nhà Timesquare là tâm huyết của ông Chu Lập Cơ - chồng bà, đang bị kê biên. Từ đó, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát xin hoán đổi dự án 6A với Times Square và cam kết không bán tòa nhà này để ông Chu Lập Cơ có nguồn thu khắc phục.

Bên cạnh đó, bà cũng bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét cho nhận lại căn nhà 24 Lê Lợi, tòa biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần cho con gái quản lý, tòa nhà từ số 19-25 Nguyễn Huệ, tòa nhà 78 Nguyễn Huệ, 2 du thuyền phục vụ cho khách du lịch tại tòa nhà Times Square.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm vụ án giai đoạn 1 đã tuyên bà Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp mức án là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền 673.849 tỉ đồng.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/ba-truong-my-lan-doi-scb-5000-ty-dong-xin-lai-nhieu-tai-san-hang-chuc-ty-a81955.html