Giám sát, chế tài khuyến mãi trái quy định

Việc giảm giá trên 50% trái quy định sẽ ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh và quyền lợi của người tiêu dùng

Nghị định 81/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 7-2018 đã quy định rất rõ hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Thế nhưng, tình trạng ưu đãi, giảm giá vượt quá 50% lại diễn ra rất phổ biến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua, đặc biệt các sàn xuyên biên giới gần đây khuyến mãi lên tới 90% giá trị hàng hóa.

Chủ yếu là giảm giá ảo

Chỉ cần nhập tên sản phẩm cần tìm, sàn TMĐT sẽ hiển thị rất nhiều hàng hóa có mức giảm giá vượt quá 50%. Chẳng hạn, tại một số sàn TMĐT lớn, chiếc tai nghe gaming từ 279.000 đồng còn 125.000 đồng (giảm 54%), kệ giày đa năng từ 150.000 đồng còn 69.900 đồng (giảm 53%), kệ treo quần áo, dây sạc iPhone… giảm giá quá 51%. Bên cạnh đó, các phiên livestream của những "chiến thần" như H.D.M, P.T… cũng giới thiệu nhiều mặt hàng từ thực phẩm, đồ gia dụng đến mỹ phẩm với mức giảm quá 50%...

Khuyến mãi vi phạm mức trần quy định diễn ra tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn xuyên biên giới Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khuyến mãi vi phạm mức trần quy định diễn ra tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn xuyên biên giới .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đáng chú ý hơn, gần đây, các sàn TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam là Temu, Taobao, 1688 còn tung ra các chương trình giảm giá "khủng", lên đến 80%-90%. Khi lướt sàn Temu, người tiêu dùng không khó để tìm thấy chiếc sạc điện thoại trên ô tô giảm tới 88%, từ 221.000 đồng/cái chỉ còn 26.000 đồng/cái; tai nghe không dây giảm 80%, từ 710.000 đồng/bộ còn 141.000 đồng/bộ; tủ quần áo khung thép giảm 75%, từ 1,4 triệu đồng/cái còn 355.000 đồng/cái…

Chưa kể, một số sàn TMĐT xuyên biên giới còn khuyến mãi "ảo", bán hàng hóa kém chất lượng khiến người tiêu dùng mắc bẫy. Anh Hoàng Phong (ngụ TP HCM) cho biết gần đây sàn Temu liên tục chạy quảng cáo bán hàng giá rẻ, giảm đến 90% và khuyến mãi, thưởng tiền mặt nên anh tò mò vào mua thử. Ngay khi truy cập vào Temu, anh được quay số trúng ngay gói giảm giá 490.000 đồng cho lần mua hàng đầu tiên. Sẵn nhu cầu mua sắm, anh đã chốt ngay 9 đơn hàng, gồm dép, ví, áo thun combo 4 cái, tủ quần áo… với tổng giá trị đơn hàng gần 2 triệu đồng (đã giảm 60%, bao gồm phí vận chuyển 0 đồng). Sàn cam kết đổi trả nếu không đúng chất lượng nhưng khi nhận hàng hóa không hề giống như mô tả.

Thực trạng khuyến mãi vượt 50% không chỉ các sàn TMĐT mà các doanh nghiệp, cửa hàng cũng áp dụng rất nhiều, khi treo bảng giảm giá, thanh lý hàng tồn kho, xả hàng giảm giá sốc 50%, 70%, thậm chí tới 90%... Tuy nhiên, TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), lại chỉ ra rằng hầu như những khuyến mãi trên 50% như vậy đều là ảo. "Người bán nâng giá gốc lên sau đó giảm giá, việc này kéo dài quanh năm suốt tháng để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng ưa khuyến mãi. Thực trạng này đã có từ rất lâu và chưa thể xử lý triệt để" - TS Thủy đánh giá.

Cần quản lý chặt hơn

TS Đào Cẩm Thủy kiến nghị các cơ quan quản lý cần có biện pháp phân nhóm và khoanh vùng các gian hàng cả online và offline. Trong đó, các hoạt động giảm giá trên 50% tại các cửa hàng offline, cần được khoanh vùng và giao cho chính quyền địa phương giám sát, xử lý. Các hoạt động giảm giá trên 50% trên môi trường số, cần có quy định rõ ràng về các nội dung như: niêm yết giá công khai; giảm giá trên 50% cần được khai báo và có cơ quản quản lý, cần có các platform trực tuyến cho việc đăng ký và khai báo này, cần có bộ phận kiểm soát và phê duyệt hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến để tự động hóa vì thực tế số lượng đăng ký có thể sẽ nhiều. Với các trường hợp không đăng ký, cố tình nâng giá rồi dùng chiêu giảm giá, cần có hoạt động nhắc nhở và chế tài xử phạt (phối hợp với các cơ quan thuế).

Không chỉ có chế tài đối với các đơn vị bán hàng, cần bổ sung quy định về việc các đơn vị tiếp nhận quảng cáo (như các nền tảng mạng xã hội, mobile app…) khi nhận quảng cáo cho các sản phẩm được rao giảm giá trên 50% cần có đăng ký được phê duyệt hoặc thông báo với các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, TS Đào Cẩm Thủy cho rằng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, về xu hướng tiêu dùng bền vững, tránh chạy theo tâm lý đám đông trước các thông tin khuyến mãi ảo, mua sắm tràn lan vượt nhu cầu, tự ý thức về sức khỏe bản thân khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng… sẽ là giải pháp bền vững, tránh cho Việt Nam tương lai trở thành "bãi đáp" cho các mặt hàng kém chất lượng được bán từ sàn TMĐT xuyên biên giới.

Ông Bùi Hữu Nghĩa, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Vicolas - chuyên bán trên các sàn TMĐT, cho hay quy định mức trần giảm giá quá 50% trên sàn TMĐT sẽ giúp nhà bán hàng trong nước giảm sự cạnh tranh rất lớn từ các sàn xuyên biên giới. Nhưng khi quy định mức trần khuyến mãi nói trên, cần thực hiện quyết liệt, để giúp người tiêu dùng đánh giá đúng chất lượng, giá cả hàng hóa, hạn chế tình trạng giá ảo. "Ngoài quy định này, cơ quan chức năng phải ngăn chặn các sàn hoạt động không phép như Temu ngay lập tức, không để hàng dỏm, hàng thải tràn vào Việt Nam, nhằm giúp thị trường trong sạch, phát triển bền vững hơn" - ông Nghĩa nói.

Trước thực trạng các sàn TMĐT trong và ngoài nước vi phạm quy định khuyến mãi trên 50%, mới đây, Sở Công Thương TP HCM đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chế tài ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam đối với các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội… nếu vi phạm nhiều lần; rà soát quy định pháp luật về TMĐT hiện hành; kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn xuyên biên giới quốc tế. Bên cạnh đó, sở kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong TMĐT xuyên biên giới để có cơ sở pháp lý quản lý, điều chỉnh hiệu quả các hoạt động này.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng nếu nâng khống hàng hóa lên cao so với giá gốc, sau đó khuyến mãi vượt quá quy định cho phép, đó là lừa đảo, cần phải giám sát, xử lý theo quy định pháp luật. 

Phải gửi hồ sơ xin khuyến mãi trên 50% trước 3 ngày

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 128 sửa đổi một số điều của Nghị định 81 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2024. Theo đó, các chương trình khuyến mãi tập trung được áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi là 100%. Tuy nhiên, thương nhân phải thông báo hoạt động khuyến mãi đến tất cả sở công thương nơi tổ chức khuyến mãi tối thiểu trước 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mãi.


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/giam-sat-che-tai-khuyen-mai-trai-quy-dinh-a82120.html