Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Bình Nhưỡng vào cuối tháng 7 để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, đã làm dấy lên nhiều phỏng đoán.
Tâm điểm là khả năng Nga nhắm đến việc mua sắm một loạt khí tài quân sự từ đồng minh Đông Á của mình.
Theo tờ Bulgarian Military, kể từ giữa năm 2022, nhiều nguồn tin đã lan truyền các báo cáo liên quan đến việc các Nga muốn mua đạn pháo và vũ khí cơ bản của Triều Tiên. Nhà Trắng thậm chí còn lặp lại những "lời cáo buộc" này vào tháng 11.
Đáng chú ý, Triều Tiên tự hào là một trong những nơi sở hữu tổ hợp công nghiệp quốc phòng đa dạng và phong phú nhất toàn cầu. Thông thường, họ sản xuất thiết bị quân sự vượt qua các thông số kỹ thuật của vũ khí Nga, hoặc chế tạo những mặt hàng mà Moskva không có.
Dự trữ khổng lồ của Triều Tiên và khả năng sản xuất các khí tài quân sự, chẳng hạn như đạn pháo, tên lửa đạn đạo... như một sự bổ sung tiềm năng vô giá cho sản lượng đang thiếu hụt của Nga.
Khả năng tương thích của các thiết bị quân sự từ hai quốc gia đều cao, cho phép sử dụng kết hợp chúng. Với thực tế này, không có gì ngạc nhiên khi những thông tin về việc Nga muốn mua vũ khí của Triều Tiên đang thu hút sự chú ý rất lớn.
Nga sẽ đổi tiêm kích MiG-29 lấy vũ khí do Triều Tiên sản xuất?
Giới phân tích nhận xét, rất có khả năng Moskva sẽ mang tiêm kích hiện đại của mình ra để trao đổi với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên do nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga không thể cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ mới như Su-35 cho Triều Tiên.
Mặc dù vậy, việc Nga cung cấp cho Triều Tiên các tiêm kích MiG-23ML/MLD và MiG-29 là hoàn toàn hợp lý, khi những phương tiện này Bình Nhưỡng đã có sẵn trong kho vũ khí của mình.
Triều Tiên đã mua từ Liên Xô từ 14 đến 28 chiếc MiG-29 trước khi nhận được giấy phép sản xuất loại máy bay này trong nước vào năm 1987. Điều đó dẫn đến việc thành lập một dây chuyền sản xuất khiêm tốn ở phía Bắc Bình Nhưỡng.
Chuyến bay đầu tiên của chiếc MiG-29 do Triều Tiên lắp ráp diễn ra vào ngày 15/4/1993. Theo đánh giá của Nga, chúng có chất lượng tương đương với sản phẩm được sản xuất tại Liên Xô.
Thời hạn của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng, nhưng giới phân tích suy đoán rằng đã kết thúc vào khoảng những năm 2000, sau khi Nga ngừng cung cấp các thành phần cần thiết để lắp ráp.
Trong điều kiện hiện tại, Moskva hoàn toàn có khả năng nối lại hợp đồng trên, họ có thể tiếp tục bàn giao các bộ linh kiện phục vụ chế tạo tại chỗ, hay thậm chí là đưa luôn cho Bình Nhưỡng những chiếc MiG-29 hoàn chỉnh.
Những khung máy bay này có khả năng có thể được nâng cấp lên tiêu chuẩn tương tự như MiG-29SMT, với hệ thống điện tử hàng không "thế hệ 4+", bao gồm cả radar mảng pha.
Điều này sẽ mang lại sức mạnh mới cho hàng không Triều Tiên, trong khi vẫn duy trì hình dáng bên ngoài gần giống với những chiếc MiG-29 do Liên Xô cung cấp trước đó.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/kich-ban-doi-tiem-kich-mig-29-moi-lay-vu-khi-a8354.html