Theo Viện Y dược học dân tộc Tp.HCM, củ sâm đất còn có tên gọi khác là Yacon hay Hoàng Sin Cô, củ sâm Fansipan, dân gian còn gọi là khoai sâm vì củ giống khoai lang.
Củ sâm đất là một đặc sản nổi tiếng ở Lào Cai. Theo tìm hiểu, sâm đất được trồng chủ yếu tại 4 xã: ALu, Ngải Thầu, Y Tý, Trịnh Tường của huyện Bát Xát.
Theo Dân Việt, loại sâm này trước đây là loại cây dễ mọc hoang trong vườn nhà, trong rừng hoặc những nơi ẩm ướt, vốn hay được người dân sử dụng lá để nấu canh, luộc rau để ăn nhằm thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
Sau này, sâm đất còn được coi là một vị thuốc quý hiếm để sử dụng trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, bồi bổ cơ thể.
Theo các tài liệu nghiên cứu, trong củ sâm đất có hàm lượng Saponin giống như trong củ sâm Hàn Quốc, rất bổ dưỡng, có lẽ vì thế mà khi đang mệt hoặc đói, ăn vài miếng củ này thấy tỉnh táo hẳn người, bao mệt mỏi tiêu tan.
Vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe nên hiện cây sâm đất được người dân trồng phổ biến để tăng thêm thu nhập.
Theo người dân xã Y Tý, nhìn bề ngoài, củ sâm đất khá giống củ khoai lang. Tuy nhiên khi bổ ra, chúng có ruột trắng trong hoặc có màu vàng nhạt, mùi thơm tựa như nhân sâm.
Mùa sâm đất thường chỉ kéo dài tầm 2 - 3 tháng, kéo dài từ tháng 9 đến khoảng tháng 11, nhưng củ này để được rất lâu. Chỉ cần để nơi khô, thoáng là có thể bảo quản đến nửa năm.
Càng để lâu, củ sâm giá rẻ này xuống nước ăn càng ngọt. Nếu ăn sống sâm Fansipan thì thấy có vị ngọt mát, nhiều nước, ngon giòn hơn củ đậu.
Những năm gần đây, chị em Hà thành rất ưa chuộng và tìm mua thứ củ đặc sản này về chế biến các món bổ dưỡng, lạ miệng.
"Quê tôi ở Lào Cai nhưng hiện tại đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Khoảng hai năm nay, tôi bắt đầu bán củ sâm đất của quê hương vì giá bán ở quê rẻ quá, tôi muốn tiêu thụ giúp bà con. Có năm, tôi bán mỗi ngày cả tạ củ. Năm ngoái, lượng khách mua ít hơn một chút nhưng 3 ngày cũng bán hết cả tạ", một đầu mối bán sâm đất ở Hà Nội chia sẻ với tạp chí Nông Thôn Việt.
Cũng đăng bán đặc sản này trên chợ mạng, một tiểu thương cho biết chị bán sâm đất đã được vài năm. Thông thường, mỗi tuần, chị sẽ nhập về một chuyến khoảng 1 tạ để trong nhà sau đó bán dần.
Những củ sâm đất để càng lâu càng ngọt nên chị nhập số lượng lớn để bán dần, không lo ảnh hưởng chất lượng. "Cũng có nhiều người không biết cách ăn sâm đất nên nhắn tin hỏi về cách ăn và chỉ mua 1 - 2kg về ăn thử. Còn khách quen, họ đã nghiện món sâm đất rồi thì họ lại đặt mua cả chục cân một lần để có giá ưu đãi", chị chia sẻ.
Theo chị, sâm đất có thời điểm giá bán lên đến 60.000 đồng/kg. Khách hàng có thể sử dụng sâm đất để nấu canh ăn hàng ngày, ép thành nước uống hoặc có thể làm salad, ăn trực tiếp như củ đậu.
Chị lưu ý là khi nấu canh, do sâm đất có vị ngọt nên sẽ không nên nêm nếm thêm bột ngọt vào canh. Đặc biệt, loại sâm này tính hàn nên khi nấu nên cho gừng tươi và cho thêm rau mùi, hạt tiêu để món ăn thêm hương vị hấp dẫn.
Theo Đông y, sâm đất có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể, hỗ trợ trị cao huyết áp, giảm lượng đường huyết trong máu. Trong dân gian, bà con thường sử dụng sâm đất kết hợp với những dược liệu khác để chữa bệnh: táo bón, sỏi thận, tiểu đường, mụn nhọt…
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/loai-cu-rung-re-beo-nhung-quy-nhu-nhan-sam-dan-buon-ngay-ban-ca-ta-a83744.html