Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm

Cá thể cổ thụ này được xếp hạng là Cây Di sản Việt Nam.

Được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn", Vườn Quốc gia Bến En rộng 15.000 hecta thuộc địa bàn 2 huyện Như Xuân, Như Thanh (Thanh Hóa) được xem là vùng đất trù phú, sơn thủy hữu tình. Không chỉ là ngôi nhà của hệ sinh thái động-thực vật vô cùng đa dạng, phong phú, nơi đây còn sở hữu những cánh rừng nguyên sinh xanh ngút ngàn cùng hồ nước rộng gần 3.000 hecta.

Có thể nhiều người chưa biết, tại Vườn Quốc gia Bến En, có một 'báu vật' được người dân địa phương hết sức coi trọng, bảo vệ. Đó là cây lim xanh cổ thụ, tuổi đời gần 700 năm.

Cây Di sản Việt Nam

Không chỉ là báu vật của đại ngàn, báu vật tâm linh của người dân xứ Thanh, cây lim xanh còn được Nhà nước công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2022.

Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm- Ảnh 1.

Lim xanh được công nhận là Cây Di sản Việt Nam năm 2022. Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường

Theo hồ sơ của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), cây lim xanh tại Vườn Quốc gia Bến En năm nay 688 tuổi, cao gần 30 mét, đường kính tán khoảng 20 mét, chu vi khoảng 6 mét.

Trải qua gần 7 thế kỷ, cây lim xanh vẫn sừng sững trước đại ngàn. Cá thể này không chỉ thuộc hàng hiếm có tại Việt Nam mà còn là báu vật thực sự trên thế giới. Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, loài lim xanh hiện tại chỉ mọc tại 2 quốc gia, đó là Việt Nam và Trung Quốc, tại các khu rừng mưa nhiệt đới ẩm, ở độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. 

Điều này giải thích một phần vì sao nhiều người xem cây cổ thụ gần 700 năm tuổi này là báu vật thể hiện cho sự tươi xanh, trường tồn, thịnh vượng. Một bài viết trên báo Tiền Phong mới đây cho biết, người dân địa phương xem cây lim xanh này là báu vật tâm linh bảo vệ sự bình yên, mang lại hạnh phúc và no ấm cho mọi người. 

Do đó, để bảo vệ cây cổ thụ này, Vườn Quốc gia Bến En thành lập một trạm kiểm soát, cử cán bộ trạm thường xuyên tuần tra để bảo vệ cá thể này nói riêng trước lâm tặc.

Không chỉ quý, loài cây này còn rất hiếm. Theo Sách Đỏ IUCN, lim xanh (danh pháp khoa học: Erythrophleum fordii) được phân hạng EN - Bị đe dọa tuyệt chủng.

Vì có nhiều đặc điểm vượt trội về gỗ và y học dân gian, gỗ lim xanh đã bị khai thác quá mức trong tự nhiên, dẫn đến nguy cơ bị hoàn toàn biến mất trong tự nhiên.

Hiện nay, số lượng cá thể trưởng thành của lim xanh đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, dưới nỗ lực bảo tồn lim xanh của Vườn Quốc gia Bến En, những cá thể non đang được nuôi trồng cẩn thận.

Lim xanh - Nhân chứng lịch sử hiển hách của dân tộc Việt Nam

IUCN đánh giá, lim xanh là loài cây gỗ có giá trị rất cao. Đặc điểm dễ nhận thấy của gỗ lim xanh là gỗ có màu nâu, bóng, vân gỗ mịn, khít và đặc biệt là rất cứng, có thể chống được mối mọt, kháng bệnh nấm gỗ rất tốt.

Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm- Ảnh 2.

Hình ảnh cây lim xanh gần 700 năm tuổi tại Vườn Quốc gia Bến En. Ảnh: Tiền Phong

Một bài viết khoa học đăng trên Tạp chí Wood Science (thuộc Hội Nghiên cứu Gỗ Nhật Bản) năm 2018 cho biết, do có chất lượng gỗ vượt trội, lim xanh được xếp vào nhóm gỗ bền nhất ở Việt Nam, thuộc nhóm Tứ Thiết (4 loại gỗ quý), gồm đinh, lim, sến, táu.

Đặc điểm vượt trội của gỗ lim xanh đến từ khả năng kháng 2 loại nấm gỗ nổi tiếng là nấm mục trắng Phanerochaete sordida và Phanerochaete chrysosporium (có thể phân hủy lignin, cellulose và hemicellulose có trong gỗ).

Quan sát bằng kính hiển vi, các nhà khoa học phát hiện độ cứng cấu trúc cao của gỗ lim xanh. Sợi gỗ lim xanh bao gồm các sợi có thành dày được hóa gỗ cao với lòng sợi gần như khép kín hoàn toàn. 

Khi sử dụng phương pháp Quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR) kết hợp Cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) 2 chiều, người ta phát hiện gỗ lim xanh có cấu trúc lignin cô đặc cao được phản ánh qua các lớp độ bền. 

Những thông số độc đáo này đóng vai trò quan trọng đối với khả năng kháng bệnh tự nhiên cao của gỗ lim xanh, biến chúng trở thành loại gỗ có giá trị cao về kinh tế và lịch sử.

Tại sao lại nói lim xanh có giá trị lịch sử? 

Nhờ những đặc điểm vượt trội mà gỗ lim xanh trước đây thường được sử dụng để sản xuất tàu thuyền, đồ nội thất cao cấp, sàn nhà, điêu khắc và thủ công mỹ nghệ. Không những thế, một phát hiện gây ngạc nhiên đó là lim xanh còn xuất hiện trong nhiều công trình lịch sử ở Việt Nam.

Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm- Ảnh 3.

Di tích bãi cọc Bạch Đằng (tại tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Kinhtedothi

Tạp chí Wood Science cho biết, các hiện vật bằng gỗ khai quật từ các địa điểm khảo cổ học ở Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long (thủ đô Hà Nội); hay tại Di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã được xác định là gỗ lim xanh.

Riêng tại Di tích bãi cọc Bạch Đằng, các nhà khảo cổ tìm thấy những cọc gỗ vót nhọn, dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20-30 cm.

Điều kinh ngạc là mặc dù những hiện vật bằng gỗ này bị chôn vùi hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm dưới nước nhưng mức độ phân hủy của gỗ lim xanh rất hạn chế. 

Sự phân hủy của lớp bề mặt gỗ chỉ giới hạn ở khoảng 1–2 cm bên ngoài. Khi các nhà khoa học quan sát bằng kính hiển vi, phân tích hóa học và thử nghiệm cơ học các hiện vật gỗ lim xanh nghìn năm này, họ không phát hiện thấy sự khác biệt đáng kể nào giữa gỗ khai quật và gỗ hiện đại. 

Như vậy, bãi cọc tại sông Bạch Đằng (với phần lớn là các cọc bằng gỗ lim xanh) trở thành nhân chứng lịch sử quan trọng, nơi lưu giữ những chiến công lẫy lừng của dân tộc ta trước quân xâm lược hàng nghìn năm trước.

Theo các nhà khoa học về gỗ, mặc dù vẫn cần phải kiểm tra và nghiên cứu thêm, nhưng đặc tính của gỗ lim xanh kháng nấm có được nhờ hàm lượng lignin cô đặc cao cũng như độ chặt của các sợi gỗ bên trong thân cây. Điều này giải thích tại sao gỗ lim xanh có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều thế kỷ, thậm chí là một thiên niên kỷ. 

Quý, hiếm và có giá trị nghiên cứu lịch sử nên lim xanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được xem là "báu vật" giữa đại ngàn. Việc IUCN lên tiếng kêu gọi bảo vệ loài này không chỉ nhắc nhở những thế hệ sau tiếp tục bảo tồn những loài cây mang giá trị lịch sử cao mà còn góp phần bảo vệ đa dạng loài trên hành tinh này.

Tham khảoIUCN, Journal of Wood Science, BMCgenomdata

Trang Ly

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/bau-vat-tam-linh-the-gioi-chi-2-nuoc-co-viet-nam-so-huu-ca-the-700-tuoi-thuoc-hang-tu-thiet-quy-hiem-a83902.html