Giá cả quá đắt đỏ tại các thành phố lớn đang dập tắt nhiều giấc mơ an cư của người trẻ, nhiều người xác định sẽ "cả đời ở nhà thuê" hay thậm chí nghĩ đến việc "bỏ phố về rừng" bởi cuộc sống vất vả, xô bồ nơi phố thị.
Không chỉ người trẻ, đến những người đã lập gia đình, có nhiều năm lăn lộn giữa thành phố lớn cũng chật vật với câu chuyện an cư, mong muốn sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình để an tâm làm ăn cũng khó hơn bao giờ hết bởi giá nhà tăng bất chấp ngày qua ngày, trong khi đó nhà giá rẻ, nhà phù hợp với túi tiền của người dân lại cứ biệt tích giữa thị trường.
Người trẻ "khát nhà", người già cũng ngóng
Anh Trịnh Ngọc Bảo (Sóc Sơn, 27 tuổi) sau khi tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã đi làm được 5 năm, trải qua nhiều công việc với mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng, nghe thì tưởng chừng như đủ đầy nhưng anh Bảo cho biết sau 5 năm lăn lộn số tiền bỏ ra chẳng được bao nhiêu.
Giá trọ thì ngày một tăng cao, ít nhất cũng phải mất từ 2,5 triệu đồng -3 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí sinh hoạt khiến số tiền tích lũy của chàng trai trẻ không đáng là bao.
Sau 5 năm đi làm, Bảo mới dành dụm ra được gần 200 triệu đồng, với mức tiền đó thì việc sở hữu một căn nhà giữa thủ đô là việc không thể.
"Cũng sắp chạm ngưỡng 30 tuổi nhưng nhà cửa chưa có vì vậy nên cũng không dám lập gia đình, sợ vợ con phải khổ, đến bản thân mình còn chông chênh không có nổi chỗ chui ra chui vào ổn định thì nào dám nghĩ xa xôi. Bản thân mình đàn ông ở một mình tạm bợ được nhưng có gia đình rồi mà vẫn chịu cảnh ở thuê thì khổ cho cả hai người", Bảo chia sẻ.
Dù cũng mang trong mình ước mơ sở hữu nhà, nhưng đi tìm hiểu và khảo sát giá nhà trên thị trường khiến hy vọng an cư của Bảo gần như bị dập tắt hoàn toàn.
Không dám mơ nhà phố, chung cư cao cấp, Bảo đi tìm những căn hộ vùng ven, kể cả nhà trong ngõ thì mức giá cũng xấp xỉ 3 tỷ đồng trở lên. Với số tiền này, 200 triệu đồng của Bảo chỉ như muối bỏ bể, nếu có vay ngân hàng thì cũng sẽ tạo áp lực lãi vay rất lớn mà anh không thể chi trả được hàng tháng.
Sợ hãi mỗi lần nghe bản tin "tăng lương"
Cá biệt hơn trường hợp của Bảo, chị Hoàng Thu Thảo (Nhân Hoà, 35 tuổi) đang phải gồng gánh một gia đình 6 người với mức thu nhập ít ỏi từ quầy bánh mì nhỏ mỗi sáng.
Hiện cả gia đình đang ở trong một căn hộ tái định cư cũ có diện tích 60m2 mà bố mẹ chồng chị được cấp cách đây 20 năm. Chưa kể hiện căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, thang máy thường xuyên hỏng, tường vữa rụng thành từng mảng và những vết nứt chạy dài quanh tòa nhà.
Cả nhà chị Thảo sống nhờ vào quầy hàng nhỏ bán bánh mì dưới sảnh tòa nhà, mỗi tháng đem về khoảng 14 -15 triệu đồng lợi nhuận để nuôi 6 người. Chồng chị Thảo sức khỏe yếu, nên chỉ có thể ở nhà phụ vợ bán hàng chứ không làm ra thu nhập.
"Nguyên tiền học trường công của 2 đứa trẻ con mỗi tháng hết 4 triệu đồng, chỉ còn trên dưới 10 triệu để chi trả đủ tiền điện nước, sinh hoạt, ăn uống của cả 4 người lớn và 2 đứa trẻ thật sự là bài toán khó. Chưa kể tháng nào phát sinh ma chay cưới hỏi là gia đình lại lao đao", chị Thảo bộc bạch.
Bản thân chị Thảo cho biết rất sợ hãi mỗi khi nghe thấy có thông báo "tăng lương" được phát đi trên truyền hình, bởi đặc thù là một người làm tự do ở ngoài, mỗi một lần "tăng lương" là một lần giá điện, nước, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm đồng loạt tăng trong khi thu nhập thì vẫn giậm chân tại chỗ, gia đình lại càng khó khăn hơn.
Bản thân chị lấy chồng xa, nhà ở quê giờ chỉ còn mẹ già ở một mình nhưng rất hiếm khi chị có thể về quê thăm mẹ. Nguyên do bởi chi phí đi lại tốn kém, chưa kể việc bán hàng nếu nghỉ lại sợ mất khách, vì vậy cả năm số lần về quê thăm mẹ của chị chỉ được 2-3 lần.
Thu nhập chẳng đáng là bao, gia đình 6 người 3 thế hệ của chị Thảo phải chui ra chui vào trong một căn hộ chật hẹp.
Một phòng ngủ để cho bố mẹ chồng, một phòng ngủ cho 2 vợ chồng cùng cô con gái nhỏ, con gái lớn của anh chị phải kê ghế ngủ ngoài phòng khách do nhà không có diện tích.
Trong căn nhà, nhìn đâu cũng thấy đồ đạc ngổn ngang, phần vì đông người ở mà diện tích quá nhỏ, phần vì kinh doanh hàng ăn có rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh chiếm diện tích căn nhà.
Do đó, chị Thảo phải cơi nới từng khoảng trống để cất đồ đạc, căn gác xép "tự chế" được lắp đặt giữa bếp, đựng không biết cơ man là đồ đạc lỉnh kỉnh.
Ước ao được đổi sang một ngôi nhà khang trang, sạch đẹp và đủ đầy hơn cho con cái được thoải mái, bố mẹ chồng cũng có không gian sống bớt chật chội hơn nhưng chị Thảo cũng phải ngậm ngùi chấp nhận với thực tế nghiệt ngã rằng mức thu nhập hiện nay thì việc có nhà mới là điều không tưởng.
"Tiêu tằn tiện lắm thì mỗi tháng cũng hết không dưới 10 triệu đồng, nếu phát sinh ốm đau, bệnh tật thì gia đình còn âm tiền, sống trong cảnh giật gấu vá vai chứ chẳng dư giả gì.
Tiền tích cóp của cả nhà cả chục năm nay cũng chỉ được gần 400 triệu đồng, tôi có tham khảo để xem mua nhà nhưng con số toàn tiền tỷ, gia đình thật sự không kham nổi. Cũng có nghiên cứu nhà giá rẻ thấy bảo 1,5-2 tỷ đồng, nhưng chờ mãi thấy nhà chưa hoàn thiện, rồi thủ tục bốc thăm này kia, chắc gì đã tới lượt mình", chị Thảo nói.
Giấc mơ an cư xa vời vì cạn cung nhà giá rẻ
Theo báo cáo mới đây của Savills Hà Nội thông tin, sự chênh lệch giữa thu nhập hộ gia đình và giá nhà đang ngày càng rõ rệt.
Cụ thể, khi thu nhập trung bình chỉ tăng trưởng 6% mỗi năm, giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng trung bình 17-20%, gây ra nhiều khó khăn trong việc mua nhà.
"Với mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại Hà Nội là khoảng 250 triệu đồng/năm, giá một căn hộ trung bình khoảng 4 tỷ đồng, người dân cần tới 18 năm tiết kiệm không tiêu xài để có thể mua được nhà", báo cáo của Savills nêu rõ.
Với việc giá nhà ở thương mại tăng phi mã, những người dân từ trẻ tới già với mức thu nhập thấp tại nhiều thành phố lớn đều chỉ có thể trông chờ vào phân khúc nhà giá rẻ, mong có chỗ an cư.
Thế nhưng từ giữa quý I/2024, tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra rằng năm 2024, Hà Nội chỉ đăng ký khoảng 1.181 căn, Tp.Hồ Chí Minh hơn 3.700 căn.
Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trung bình mỗi năm, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh thiếu trên 50.000 đơn vị nhà ở.
Như vậy, dù ngay cả khi kế hoạch phát triển của 2 thành phố này được thực thi tối đa thì nguồn cung nhà ở xã hội này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về nhà ở của người dân tại 2 đô thị đặc biệt này.
Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 của Bộ Xây dựng, về việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" cho biết giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án NOXH đã được triển khai với quy mô 561.816 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 40.679 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng được 128 dự án với quy mô 111.688 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đạt 412 dự án với quy mô 409.449 căn.
Như vậy, tính đến hết quý III/2024 mới chỉ có 152.367 căn NOXH được khởi công, hoàn thành còn có tới 409.449 căn vẫn đang "nằm trên giấy". Nếu tính cả số dự án đang "nằm trên giấy" vào thì Bộ Xây dựng vẫn đang "nợ" đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH tới 438.184 căn hộ.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/5-nam-lan-lon-danh-dum-duoc-200-trieu-dong-nguoi-lao-dong-khat-nha-gia-re-a83979.html