Khởi nghiệp từ đam mê chăn nuôi
Nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, anh Huỳnh Ngọc Hội (SN 1989, trú tại thôn 10, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã quyết định khởi nghiệp bằng cách lựa chọn nuôi ốc nhồi. Hiện tại, mô hình nuôi ốc nhồi của anh không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn trở thành điểm đến học hỏi cho nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.
Khi được hỏi về lý do khởi nghiệp, anh Hội cho hay: "Tôi xuất thân từ nông dân và luôn mang trong mình niềm đam mê với chăn nuôi. Do đó, năm 2016, tôi tận dụng khoảng đất nông nghiệp của gia đình để nuôi cua đồng. Tuy nhiên, nuôi cua đồng chi phí khá tốn kém, đầu ra không ổn định và không vận chuyển xa được nên hiệu quả kinh tế không cao".
Đến năm 2017, nhận thấy nguồn ốc nhồi đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ lại lớn do ốc có giá trị dinh dưỡng cao, anh Hội quyết định khăn gói xuống các tỉnh miền Tây để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh cũng dành thời gian tìm hiểu thêm trên mạng, nghiên cứu các phương pháp nuôi và chăm sóc ốc.
Sau những chuyến đi thực tế và kiến thức tích lũy được, anh Hội đã tìm mua gần 20kg trứng ốc nhồi tại một tỉnh miền Tây về tự ấp và nở được khoảng 200.000 con ốc con. Với số ốc con này, anh đã thả xuống hồ có diện tích 1.000 m2 để nuôi. Khoảng 4 tháng sau, ốc bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý nguồn nước và tăng cường các loại thức ăn cho ốc nên ốc chậm phát triển, còi cọc, thậm chí nhiều con bị chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Vì thế, sản lượng ốc thu hoạch không đạt như mong muốn.
"Ốc nhồi hay mắc các bệnh như: mòn vỏ, sưng vòi, bệnh đường ruột. Nếu nguồn nước trong hồ không ổn định và sạch sẽ thì ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của ốc. Đặc biệt, ốc nhồi rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết, đặc biệt là những cơn mưa đầu mùa dễ khiến cho sức khỏe của ốc bị yếu, dẫn đến chết" – anh Hội chia sẻ.
Đối diện với những thất bại đó, chàng trai trẻ không ngừng nghiên cứu để rút kinh nghiệm và tìm ra cách khắc phục những khó khăn trong quá trình nuôi ốc. Theo đó, ngoài việc đảm bảo lượng nước vừa đủ, hằng tháng, anh còn thay nước cho hồ nuôi. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy hồ định kỳ 7 ngày/lần, qua đó nhằm khử khuẩn và phân hủy các thức ăn dư thừa, tạo môi trường sống trong sạch cho ốc.
Mỗi khi có dấu hiệu thay đổi thời tiết, anh Hội lại phủ kín bèo trên mặt hồ nhằm tăng lượng thức ăn xanh, đồng thời bổ sung vitamin C để giúp ốc tăng cường sức đề kháng. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho ốc, anh trồng mướp, đu đủ, bầu, bí, cây mì (sắn).... xung quanh hồ.
Với sự kiên trì và không ngừng nỗ lực, từ năm 2018 đến nay, anh xuất bán từ 10-15 tấn ốc thành phẩm mỗi năm, với giá từ 55-70.000 đồng/kg. Doanh thu từ việc kinh doanh ốc thành phẩm đạt khoảng 600 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, anh còn thu hoạch từ 1-3 tạ trứng ốc để bán cho nhiều người dân ở các tỉnh như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk,... với giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg trứng ốc. Doanh thu từ việc bán trứng ốc lên đến 600-700 triệu đồng/năm.
Sau khi trừ các chi phí đầu tư, chăm sóc, anh Hội thu lãi khoảng 500 triệu đồng mỗi năm từ việc bán ốc thành phẩm và trứng ốc.
Để đảm bảo lượng hàng cung cấp cho thị trường, thời gian gần đây, anh Hội đã liên kết với hàng chục người dân (chủ yếu là thanh niên) ở các huyện Buôn Đôn, Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) để nuôi ốc, với tổng diện tích gần 2ha. Người dân tham gia liên kết không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi ốc mà anh Hội còn bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định. Từ đó, giúp các hộ dân tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho một số thanh niên.
Chế biến ốc nhồi thành đặc sản
Không dừng lại ở những thành công ban đầu, những năm gần đây, anh Hội còn phối hợp với anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1987, trú tại thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) để phát triển thương hiệu chả ốc nhồi mang tên Lâm Ngọc Hội.
Anh Hội lý giải: "Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ ốc nhồi gặp khó khăn, thậm chí không thể xuất bán được. Đứng trước thách thức này, năm 2021, anh cùng với anh Lâm đã bàn bạc và nghĩ ra giải pháp chế biến sản phẩm chả ốc nhồi. Thời gian đầu, chả ốc nhồi sau khi chế biến được đưa đến cho người thân, bạn bè, hàng xóm dùng thử. Sản phẩm này ngay lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người, khiến chúng tôi có thêm động lực để phát triển sản phẩm".
Nhằm đa dạng sản phẩm, hai anh đã mở rộng sản phẩm thành 4 loại gồm: ốc nhồi ống tre, ốc nhồi cuốn ram, ốc nhồi cuốn lá lốt và ốc nhồi ôm xã. "Mỗi món ăn từ chả ốc không chỉ ngon miệng mà còn mang giá trị dinh dưỡng cao" – anh Lâm cho hay.
Để các sản phẩm chả ốc ngày càng được nhiều người biết đến, hai anh không ngần ngại mang sản phẩm đến các quán nhậu, nhà hàng, homestay để giới thiệu... Năm 2022, các sản phẩm từ ốc nhồi đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp do huyện Buôn Đôn tổ chức và giành được giải nhì. Đến năm 2023, 4 sản phẩm chả ốc này đã được huyện công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và trở thành đặc sản của huyện Buôn Đôn.
Năm 2023, hai anh chế biến và bán ra thị trường khoảng 400 kg chả ốc nhồi mỗi tháng, mang về doanh thu từ 50-70 triệu đồng. Đến nay, các sản phẩm chả ốc nhồi ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như: Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Tp.HCM, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai,...
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết, mô hình nuôi ốc nhồi đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho gia đình anh Hội và một số hộ dân trên địa bàn. Địa phương khuyến khích người dân mở rộng mô hình chăn nuôi này. Tuy nhiên, hiện nay, việc nuôi ốc nhồi vẫn còn mang tính tự phát và đầu ra chưa ổn định. Do đó, xã đang nghiên cứu thành lập hợp tác xã nhằm phát triển mô hình nuôi ốc nhồi theo hướng liên kết bền vững, mang lại hiệu quả cao.