Động lực mới cho Vietnam Airlines bứt phá

Vietnam Airlines cần nguồn lực mạnh mẽ và kịp thời để nhanh chóng phục hồi hoàn toàn, qua đó tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam trước những cơ hội và thách thức lớn trong tương lai.

Tiếp nối đà phục hồi

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) tiếp tục duy trì được đà tăng ấn tượng được bắt đầu từ ngày 25/10/2024 khi chốt phiên giao dịch ngày 22/11/2024 ở mức 25.550 đồng/cổ phiếu.

Đây đã là đợt tăng trưởng thứ 4 của cổ phiếu của Hãng hàng không Quốc gia trong năm 2024, trong đó mức giá cao nhất mà cổ phiếu HVN đạt được là 36.250 đồng/cổ phiếu (ngày 5/7/2024). Nếu tính từ ngày 19/12/2023 đến ngày 19/11/2024, cổ phiếu HVN đã tăng 135,9%.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã có phản ứng tích cực đối với đà phục hồi sau dịch Covid-19 của Vietnam Airlines vốn được bắt đầu từ nửa đầu năm 2023 đến nay.

Động lực mới cho Vietnam Airlines bứt phá- Ảnh 1.

Đến nay Vietnam Airlines đã phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế sau dịch Covid-19 và mở mới nhiều đường bay.

Cần phải nói thêm rằng, các nhà đầu tư đã đẩy mạnh giao dịch đối với mã chứng khoán HVN sau khi Vietnam Airlines công bố Báo cáo tài chính quý III/2024 với khoản lợi nhuận sau thuế hơn 860 tỷ đồng trong quý III – đánh đấu quý thứ ba liên tiếp hãng hàng không Quốc gia tiếp tục có lãi nhờ thị trường hồi phục, chi phí giảm.

Cụ thể, Vietnam Airlines ghi nhận khoản doanh thu hợp nhất 26.830 tỷ trong quý III, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn bán hàng chỉ tăng nhẹ, giúp hãng đạt lợi nhuận gộp hơn 2.740 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần.

Đây cũng là giai đoạn thị trường hàng không phục vụ lượng khách lớn với cao điểm du lịch hè. Vietnam Airlines cho biết lượng khách nội địa của Hãng tăng hơn 22%, quốc tế tăng 11%.

Đến nay, hãng đã phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế sau dịch Covid-19 và mở mới nhiều đường bay, gần nhất là chặng Hà Nội, Tp.HCM tới Munich (Đức). Nhiều loại chi phí của Vietnam Airlines như tài chính, bán hàng, quản lý cũng giảm. Trong đó, chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay chỉ bằng 30% quý III/2023. Những yếu tố này giúp Hãng Hàng không Quốc gia lãi hợp nhất sau thuế khoảng 862 tỷ đồng.

Tuy vậy, kết quả tích cực gần đây trong hoạt động của Vietnam Airlines chưa thể giúp Tổng công ty vượt qua những khó khăn và khắc phục hoàn toàn những hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại.

Dù tình hình sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đang được cải thiện tích cực nhưng vốn chủ sở hữu hợp nhất của Tổng công ty tính đến ngày 30/9/2024 vẫn âm 11.086 tỷ đồng (đầu kỳ là âm 17.025 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu của Công ty Mẹ là âm 6.506 tỷ đồng (đầu kỳ là âm 8.377 tỷ đồng).

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các chỉ tiêu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines chưa trở lại ngưỡng an toàn mà tiếp tục trạng thái xấu với mức đánh giá xếp hạng rủi ro cao; đây là khó khăn lớn cho những nỗ lực, cố gắng của Vietnam Airlines và cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận với các nguồn lực kinh tế xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp.

"Vietnam Airlines cần thêm nguồn lực mới để sớm về trạng thái tốt nhất qua đó đủ sức dẫn dắt cả hệ sinh thái ngành hàng không Việt Nam thực hiện những việc lớn, việc khó trong thời gian tới", ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Động lực mới cho Vietnam Airlines bứt phá- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Hiện Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để hãng sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Những điểm nhấn quan trọng nhất của Đề án được kỳ vọng là giúp Vietnam Airlines khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất trong năm 2025 qua đó tận dụng những cơ hội từ việc thị trường hàng không trong nước và khu vực đang phục hồi mạnh mẽ gồm cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

Vietnam Airlines cũng đề xuất cấp có thẩm quyền giao các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phần tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi hãng thực hiện phương án tăng vốn điều lệ chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Động cơ chủ lực cho ngành hàng không Việt

Theo Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thị trường hàng không Việt Nam nằm trong xu thế phục hồi chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đạt mức phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào cuối năm 2024. Giai đoạn 2024 - 2040 dự kiến là giai đoạn tăng trưởng của ngành hàng không nhờ kinh tế phục hồi và tăng trưởng, thu nhập người dân cải thiện.

"Trong kỷ nguyên mới, ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội và sở hữu rất nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa để trở thành một trung tâm hàng không lớn trong khu vực", TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Động lực mới cho Vietnam Airlines bứt phá- Ảnh 3.TS. Nguyễn Đức Kiên - Chuyên gia kinh tế
"Trong kỷ nguyên mới, ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội và sở hữu rất nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa để trở thành một trung tâm hàng không lớn trong khu vực"

Dư địa cũng như cơ hội phát triển thị trường hàng không Việt Nam cũng được ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines làm rõ.

Theo Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa, hiện tổng thị trường khách nội địa Việt Nam hiện nay đạt khoảng trên 40 triệu lượt khách/năm, tương đương tỉ lệ trung bình 10 người dân Việt Nam mới có 4 người bay 1 lần trong năm.

Trong khi tỉ lệ này ở các nước có thị trường hàng không phát triển là 1:1 - hoặc cao hơn. Đối với thị trường khách quốc tế, năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu), Thái Lan (28 triệu), Singapore (13,6 triệu).

Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, hiện Việt Nam vẫn chỉ đón lượng khách quốc tế chưa bằng 1/2 so với 2 nước dẫn đầu trong khu vực.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới trong các thập kỷ tiếp theo và cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không nhanh nhất: 5,3%/năm - tới năm 2040, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu là 3,8%/năm, và sẽ chiếm hơn 60% lượng khách tăng thêm trên toàn cầu tới năm 2040.

"Riêng với thị trường hàng không Việt Nam, các tổ chức dự báo quy mô tổng thị trường tới năm 2040 sẽ tăng 2,5 - 3 lần so với quy mô hiện tại, đạt xấp xỉ 200 triệu lượt khách quốc tế và nội địa/năm", ông Đặng Ngọc Hòa thông tin.

Động lực mới cho Vietnam Airlines bứt phá- Ảnh 4.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, nhìn vào bài học tại các quốc gia đã có sự phát triển đột phá trong dòng chảy lịch sử, dễ dàng nhận thấy mối liên hệ tương quan mật thiết giữa việc phát triển ngành hàng không với sự cất cánh của đất nước.

Quốc hội sắp bàn giải pháp gỡ khó cho Vietnam AirlinesCổ phiếu HVN của Vietnam Airlines "cất cánh" tăng trần

Singapore từ một đảo quốc nhỏ bé chưa đến 5 triệu dân, nay đã trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính toàn cầu; hay các quốc gia Trung Đông như UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỹ, đã sớm chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ sang nền kinh tế "phi dầu mỏ" với trọng tâm vào thu hút đầu tư, du lịch…

Điểm chung của các quốc gia này đó là đã sớm nhận biết và dành nguồn lực phát triển ngành hàng không, xây dựng hãng hàng không quốc gia vững mạnh theo định hướng trở thành trung tâm trung chuyển toàn cầu.

"Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và vận hội mới để phát triển đột phá về mọi mặt. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng không dân dụng, trong đó, các khoản hỗ trợ tài chính và cơ chế chính sách đủ mạnh, mang tính đột phá, được ban hành kịp thời sẽ giúp Vietnam Airlines tiếp tục giữ vững vị thế là lực lượng vận tải chủ lực của Việt Nam - giữ vai trò then chốt, chủ đạo đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới", lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định.

Động lực mới cho Vietnam Airlines bứt phá- Ảnh 5.

TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.

Theo TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, để tận dụng được thời cơ này, cần một "động cơ chủ lực" chắp cánh cho cả hệ sinh thái ngành hàng không, thông qua việc đầu tư tạo ra các năng lực sản xuất mới, định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp trong ngành, cơ cấu lại thị phần và phát triển thêm các thị trường mới...

"Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này cần được đặt trên vai Vietnam Airlines - cánh chim đầu đàn của ngành hàng không Việt Nam. Trên thực tế, Vietnam Airlines chính là công cụ đặc biệt của Nhà nước để quản lý và điều tiết ngành hàng không, theo đúng định hướng kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết thúc đẩy phát triển kinh tế; doanh nghiệp nhà nước là công cụ của kinh tế nhà nước", TS. Trương Văn Phước nhận định.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dong-luc-moi-cho-vietnam-airlines-but-pha-a84331.html