Cô gái phải cấp cứu vì một vết đốt nhỏ
Sáng 27/11, theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh nhân M. được chuyển tuyến tới bệnh viện do tình trạng quá nặng nề. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt mò và được điều trị bằng các phương pháp tích cực như hỗ trợ thở máy, lọc máu để cải thiện tình trạng suy hô hấp cũng như chống lại các biến chứng.
Hiện tại, nhờ sự can thiệp kịp thời tại cơ sở y tế tuyến dưới và các phương pháp điều trị chuyên sâu, bệnh nhân đã có cơ hội phục hồi tốt…
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Việt Huy, sốt mò là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc họ Rickettsiacea gây ra, thường lây truyền qua vết đốt của loài mò Leptotrombidium. Đây là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng suy đa cơ quan và tử vong.
Sốt mò có đặc điểm nhận dạng đặc biệt. Vết đốt do con mò gây ra thường có đặc điểm khi đã đóng vảy đen kích thước 2-3x3-5mm, không đau, không ngứa, có viền đỏ và nổi lên bề mặt da.
Vết tổn thương này thường không liền kèm theo các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, phát ban, nổi hạch và giai đoạn trở nặng sẽ xuất hiện tình trạng khó thở. Bệnh không lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc thông thường mà chỉ lây truyền qua vết đốt trực tiếp của con mò. Điều này khiến bệnh dễ bị bỏ sót trong giai đoạn đầu nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng.
Các bác sĩ cảnh báo, người sống hoặc làm việc tại các khu vực vùng núi có nguy cơ cao mắc bệnh sốt mò. Vì vậy, người dân cần chú ý bảo vệ bản thân khỏi con mò bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc chống côn trùng và tránh tiếp xúc với các môi trường có nguy cơ cao.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Người phụ nữ tử vong vì bệnh dại, nghi do mèo cào
Ngày 27/11, Trung tâm Y tế TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết trên địa bàn vừa có một trường hợp tử vong do bệnh dại, nghi bị mèo cào. Nạn nhân là V.T.T.D (SN 1971, ngụ phường Long Tâm).
Người nhà bệnh nhân khai báo, ngày 25/5/2024, chị D. bị mèo cào vào cẳng chân, vết cào xước da, chảy máu nhẹ. Từ thời điểm bị mèo cào đến khi chị D. bị phát bệnh không bị động vật cắn, cào lần nào nữa.
Do nghĩ mèo nhà nuôi không có vấn đề gì nên chị D. không đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, bản thân cũng chưa tiêm phòng trước phơi nhiễm.
Ngày 20/11, chị D. có biểu hiện sốt, đau họng, mệt mỏi những vẫn đi làm bình thường. Đến ngày 23-11, thấy mệt mỏi, khó thở, người nhà đưa chị D. vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa, chưa tìm ra nguyên nhân bệnh.
Sáng 24/11, bệnh nhân khó thở tăng, bứt rứt, ho khạc nhiều, người lo lắng, người nhà xin tự chuyển tuyến và nhập viện tại Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM. Chiều tối cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và được chẩn đoán bệnh dại không đặc hiệu.
Ngày 25/11, bệnh nhân được người nhà xin xuất viện về Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục điều trị, với chẩn đoán bệnh dại - Viêm cơ tim cấp. Sau đó, người nhà xin xuất viện, bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Cũng theo người nhà bệnh nhân, con mèo nuôi đã cào vào cẳng chân bệnh nhân là loại mèo cỏ, chưa tiêm phòng vắc-xin. Cùng ngày 25/5, trước khi cào vào chân chị D., con mèo này đã cắn sâu, gây chảy máu vùng chân chị L. (em gái chị D.). Hiện sức khỏe của chị L. bình thường và đã tiêm phòng dại mũi 1 vào ngày 25/11.
Bệnh ung thư da đang có xu hướng gia tăng
Theo thông tin từ PGS-TS.Nguyễn Hữu Sáu, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, có hai loại ung thư da phổ biến gồm ung thư không hắc tố (ung thư biểu mô tế bào đáy và tế bào vảy) và ung thư tế bào hắc tố.
Một nghiên cứu của bác sỹ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong 6 năm (2017-2022) cho thấy có 1.133 bệnh nhân ung thư da điều trị nội trú tại cơ sở y tế này. Gần 70% trong số đó là bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy (riêng 3 năm 2020-2022 đã ghi nhận 407 ca).
Tuy nhiên, trong hai năm 2023-2024, số lượng bệnh nhân ung thư da đã gia tăng đáng kể. Mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 đến 20 bệnh nhân đến khám và điều trị. Tính chung, số lượng bệnh nhân ung thư da tại đây đạt khoảng 300-500 người mỗi năm.
Đối với ung thư tế bào hắc tố - loại ung thư ác tính nhất với tỷ lệ di căn cao, trước đây bác sỹ ít gặp (chỉ khoảng 25 ca/năm). Nhưng gần đây, bệnh viện ghi nhận từ 1-2 ca/tuần. Đặc biệt, có những trường hợp bệnh nhân chỉ mới 20-30 tuổi đã mắc ung thư da.
Lý giải nguyên nhân gia tăng số lượng bệnh nhân, các bác sỹ cho rằng một phần do nhận thức của người dân về bệnh lý này đã được nâng cao, đồng thời việc áp dụng thêm nhiều phương pháp và thiết bị chẩn đoán hiện đại đã giúp phát hiện bệnh sớm hơn.
Đáng chú ý, một số bệnh nhân nhờ theo dõi các buổi livestream trên nền tảng mạng xã hội của bác sỹ mà đã kịp thời đến khám và phát hiện sớm ung thư da.
Các bác sỹ khuyến cáo, khi phát hiện những thay đổi nhỏ trên cơ thể, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Việc phát hiện sớm ung thư da, kể cả ung thư tế bào hắc tố, sẽ giúp việc điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm gánh nặng kinh tế và tăng tỷ lệ sống trên 5 năm. Nếu ở giai đoạn muộn, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10-20%.
Vậy ai có nguy cơ mắc ung thư da, theo các bác sỹ nguy cơ phát triển ung thư da phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm người da trắng hoặc có làn da sáng màu, tóc đỏ hoặc vàng, mắt sáng màu.
Người có nhiều nốt ruồi bất thường, không đối xứng, đường viền không đều, màu sắc khác biệt (nâu, đen, đỏ), hoặc có đường kính lớn hơn 0,6 cm.
Người thường xuyên tiếp xúc với than hoặc các hợp chất asen, làm việc ngoài trời, hoặc từng bị cháy nắng. Người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (như sau cấy ghép nội tạng).
Người hút thuốc, làm tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy, đặc biệt ở da môi. Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền hiếm gặp, như hội chứng Gorlin hoặc bệnh khô da sắc tố.
T.M (tổng hợp)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tin-tuc-doi-song-2711-co-gai-phai-cap-cuu-vi-mot-vet-dot-nho-a84691.html