Chiếm 80% chuỗi cung ứng, Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu một kim loại cực kỳ quan trọng nhưng chuyên gia phán nhẹ 'giờ mới cấm đã muộn'

Đây là kim loại không thể thiếu để sản xuất chất bán dẫn cũng như ngành công nghiệp quốc phòng.

Chiếm 80% chuỗi cung ứng, Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu một kim loại cực kỳ quan trọng nhưng chuyên gia phán nhẹ 'giờ mới cấm đã muộn'- Ảnh 1.

Trung Quốc sẽ bắt đầu hạn chế xuất khẩu kim loại vonfram vào cuối tuần này nhưng đúng với thời điểm các nhà cung cấp khác đang mở cửa trở lại.

Chiến lược này có phần trái ngược so với các thập kỷ trước, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc ào ạt xuất khẩu vonfram giá rẻ vào thị trường toàn cầu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh - cuối cùng kiểm soát 80% chuỗi cung ứng, theo Argus. Vonfram là kim loại rất cứng, được sử dụng trong vũ khí và chất bán dẫn.

Là một phần của các quy tắc hạn chế xuất khẩu mới, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách một loạt các khoáng sản quan trọng cần xin giấy phép xuất khẩu. Các biện pháp hạn chế này có hiệu lực từ ngày 1/12.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm các nhà thầu của mình mua vonfram do Trung Quốc khai thác, bắt đầu từ ngày 1/1/2027.

“Đã hơi muộn đối với người Trung Quốc về vonfram”, Christopher Ecclestone, giám đốc và chiến lược gia khai thác tại Hallgarten & Company cho biết.

“Ai cũng cần nhiều vonfram hơn, đó là điều chắc chắn”, ông cho biết. “Vấn đề là lệnh cấm của Trung Quốc sẽ khiến việc khai thác vonfram trở nên có lợi hơn đối với các doanh nghiệp từ quốc gia khác”.

Ecclestone chỉ ra thị trường vonfram không thay đổi nhiều trước thông báo của Trung Quốc. Để khai thác kim loại này có lợi nhuận đáng kể, ông ước tính giá giao dịch phải cao hơn khoảng 50 USD nữa, so với mức hiện tại khoảng 335 USD/mtu.

Trong khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu vonfram, Mỹ đã tăng thuế đối với vonfram của Trung Quốc lên 25% vào tháng 9. Phần lớn các bình luận của công chúng đều ủng hộ mức thuế này, cho rằng nó mang lại lợi ích cho sản xuất trong nước. Một số thậm chí còn yêu cầu tăng thuế lên 50%.

Cullen S.Hendrix, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết có thể mất nhiều năm để mở một mỏ khai thác nhưng mức thuế áp cao hơn với vonfram nhập khẩu có thể khiến một số dự án khai thác của Mỹ “khả thi hơn về mặt thương mại”.

Theo hồ sơ chính thức, Mỹ không khai thác vonfram thương mại kể từ năm 2015. Nhưng năm nay, một trong những mỏ lớn nhất thế giới đang tiến gần đến việc nối lại sản xuất tại Hàn Quốc.

Almonty Industries có trụ sở tại Canada cho biết họ đang tiến gần hơn một bước đến việc mở hoàn toàn mỏ Sandong và nhà máy chế biến. Mỏ này đã đóng cửa vào năm 1994.

Almonty đặt mục tiêu khôi phục sản lượng tiềm năng của Sandong lên khoảng 50% vào mùa hè 2025, CEO Lewis Black nói với CNBC vào tháng trước. Ông lưu ý rằng 90% vonfram của Hàn Quốc đến từ Trung Quốc.

Almonty hiện cũng vận hành một mỏ vonfram tại Bồ Đào Nha. Năm 2015, công ty hoàn tất một vụ mua lại, cho phép họ khai thác tại Sandong. Gracelin Baskaran, giám đốc chương trình an ninh khoáng sản quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay Almonty đã cam kết chuyển giao 45% mỏ Sangdong của hàn Quốc cho Mỹ thông qua hợp đồng cung cấp dài hạn.

Nhu cầu về vonfram trong và ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ tăng, khiến giá vonfram có thể tăng cao trong thời gian tới, Emre Uzun, nhà phân tích hợp kim sắt và thép tại Fastmarkets cho biết. Nhưng bắt đầu từ cuối năm sau, ông dự kiến nguồn cung ngoài Trung Quốc sẽ tăng để giúp ổn định giá vonfram thô.

“Nhu cầu bên ngoài Trung Quốc cũng sẽ tăng nhưng nguồn cung dự kiến cũng tăng khi hoạt động mở rộng và các dự án tiến triển”, ông nói, chỉ ra mỏ Sandong và các dự án vonfram ở Kazakhstan, Úc và Tây Ban Nha.

Nguồn: CNBC

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chiem-80-chuoi-cung-ung-trung-quoc-chinh-thuc-cam-xuat-khau-mot-kim-loai-cuc-ky-quan-trong-nhung-chuyen-gia-phan-nhe-gio-moi-cam-da-muon-a85040.html