Tuần 17-21/7: Các Bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau, dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc đến Anh được công bố và các công ty ồ ạt ra BCTC quý 2 là tâm điểm của toàn cầu

Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính toàn cầu, kết quả kinh doanh của các công ty Mỹ có giá trị thị trường cao hơn cả toàn bộ nền kinh tế của một số quốc gia, và dữ liệu xác nhận nhịp độ tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc là những sự kiện đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Trong tuần tới, đại diện các nước G20 sẽ tập trung tại Ấn Độ để thảo luận về các khoản vay dành cho các nước đang phát triển cùng một số vấn đề khác, trong khi Tesla khởi động mùa báo cáo thu nhập của các công ty có vốn hóa lớn. Tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh đồng USD bị bán tháo nghiêm trọng khi nền kinh tế Mỹ nguội đi và thị trường đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần như đã hoàn tất việc tăng lãi suất.

Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý nhất trong tuần 17-21/7:

1/ Bàn bạc cách tiêu tiền

Làm thế nào để cung cấp nguồn tài chính bền vững hơn cho các nền kinh tế đang phát triển và khiến các bên cho vay đa phương tăng các khoản vay là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc họp các Bộ trưởng tài chính Nhóm G20 tại thành phố Gandhinagar của Ấn Độ, vào ngày 17-18 tháng 7.

Một số quốc gia nghèo nhất thế giới đã phải chứng kiến chi phí đi vay và gánh nặng nợ tăng vọt khi lãi suất toàn cầu tăng cao. Những nỗ lực để tái cơ cấu cho những người rơi vào tình trạng vỡ nợ diễn ra rất chậm chạp.

Quy định về tiền điện tử, cũng như các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đa phương về đánh thuế các tập đoàn có hoạt động xuyên biên giới cũng sẽ được bàn bạc tại cuộc họp, sẽ là tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tài chính sẽ diễn ra vào tháng 9 ở New Delhi.

Theo các quan chức Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nằm trong số những người tham dự, cũng như các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính từ Nga và Trung Quốc.

Tuần 17-21/7: Các Bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau,   dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc đến Anh được công bố và các công ty ồ ạt ra BCTC quý 2 là tâm điểm của toàn cầu - Ảnh 1.

Các thị trường mới nổi đang chịu chi phí vay tăng cao.

 

2/ Nền kinh tế Trung Quốc thực sự ra sao?

Trung Quốc sẽ bắt đầu tuần mới với việc công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội quý 2. Các đợt đóng cửa chống Covid-19 hồi năm 2022 tiếp tục tác động đến các khu vực lớn nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, do các dữ liệu năm ngoái thấp (vì nền kinh tế đóng cửa chống dịch) nên những dữ liệu sắp công bố có thể sẽ cho thấy mức tăng trưởng cao, nhưng vấn đề nằm ở chi tiết bên trong những con số dó.

Trong thời gian qua, nhiều dữ liệu đáng thất vọng đã khiến thị trường nhận định GDP Trung Quốc quý 2/2023 sẽ không thể đạt mức tăng bằng quý 1/2023, và khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong cả năm nay của chính phủ có thực tế hay không?

Áp lực giảm phát gia tăng và sự sụt giảm trong thương mại là những dấu hiệu cảnh báo mới nhất về sức khỏe của Trung Quốc, nơi mà cách đây 6 tháng, các nhà đầu tư đã đặt cược vào sự phục hồi mạnh mẽ.

Sự kiên nhẫn đang giảm dần khi thị trường chờ đợi Bắc Kinh công bố gói kích thích rất được mong đợi, với hy vọng cuộc họp của Bộ Chính trị trong tháng này có thể giúp xoay chuyển tâm lý đó.

Tuần 17-21/7: Các Bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau,   dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc đến Anh được công bố và các công ty ồ ạt ra BCTC quý 2 là tâm điểm của toàn cầu - Ảnh 2.

Dự báo GDP của Trung Quốc.

 

3/ Đã đến lúc doanh nghiệp tăng doanh thu

Mùa công bố báo cáo tài chính quý 2 sẽ bắt đầu vào tuần tới, với Tesla là công ty đầu tiên trong số các công ty có vốn hóa lớn báo cáo kết quả kinh doanh.

Nhà sản xuất xe điện do Elon Musk dẫn đầu sẽ thông báo kết quả doanh thu của mình vào thứ Tư (19/7). Tesla là một trong bảy cổ phiếu khổng lồ có mức tăng vượt bậc vào năm 2023 - đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.

Có những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của cổ phiếu Tesla đang mở rộng sang các lĩnh vực khác, nhưng nếu Tesla hoặc bất kỳ doanh nghiệp siêu vốn hóa lớn nào khác gây thất vọng trong quý này, thì tác động đến các chỉ số vốn chủ sở hữu có thể rất nghiêm trọng.

Các công ty siêu vốn hóa khác, chẳng hạn như Apple và Amazon sẽ báo cáo kết quả doanh thu của mình trong những tuần tới.

Một loạt các công ty lớn khác cũng công bố kết quả. Lĩnh vực ngân hàng dự báo tiếp tục có thu nhập tốt, với Bank of America sẽ công bố kết quả doanh thu vào vào thứ Ba (18/7) và Goldman Sachs vào thứ Tư (19/7). Danh sách báo cáo còn có Johnson & Johnson, Netflix và Philip Morris.

Tuần 17-21/7: Các Bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau,   dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc đến Anh được công bố và các công ty ồ ạt ra BCTC quý 2 là tâm điểm của toàn cầu - Ảnh 3.

Cổ phiếu của các siêu doanh nghiệp tăng giá mạnh.

 

4/ Thực trạng kinh tế Anh ra sao?

Lạm phát của Vương quốc Anh có thể đang ở mức vừa phải, mặc dù nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương do chi phí sinh hoạt cao và gánh nặng nợ nần nhiều.

Các nhà phân tích kỳ vọng báo cáo lạm phát tháng 6 của Anh, công bố vào thứ Tư (19/7) sẽ cho thấy mức tăng giá hàng năm trong tháng 6 chậm lại so với tỷ lệ 8,7% của tháng Năm.

Song điều đó có thể cũng không ngăn cản Ngân hàng Anh (BoE) tăng lãi suất cao hơn nữa, khi mà tốc độ tăng trưởng tiền lương chóng mặt.

Tác động từ việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế Anh đang diễn ra chậm chạp, vì hơn 85% chủ sở hữu nhà đang vay thế chấp với lãi suất cố định và nhiều người trong số họ vẫn được bảo vệ bởi lãi suất rẻ đã thỏa thuận trong những năm trước.

Nhưng khoảng một triệu hộ gia đình sẽ thấy các khoản thanh toán của họ tăng ít nhất 500 bảng Anh (651,80 đô la) một tháng cho các khoản vay mua nhà của họ vào năm 2026, BoE ước tính.

Dữ liệu về giá nhà và số lần đăng ký xe mới sẽ cho thấy mức độ tự tin của người tiêu dùng Anh đối với tài chính của họ.

Tuần 17-21/7: Các Bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau,   dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc đến Anh được công bố và các công ty ồ ạt ra BCTC quý 2 là tâm điểm của toàn cầu - Ảnh 4.

Lạm phát lõi của Anh vẫn cao ngất ngưởng.

 

5/ Mong manh thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc Biển Đen

Một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian đảm bảo việc vận chuyển an toàn ngũ cốc ở Biển Đen từ các cảng của Ukraine sẽ hết hạn vào thứ Hai (17/7). Theo thỏa thuận cũ, hơn 32 triệu tấn ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác đã được xuất khẩu và giá của nhiều mặt hàng chủ lực này đã giảm mạnh, giúp hạ nhiệt lạm phát trên toàn cầu.

Nhưng Nga cho biết họ thấy không có cơ sở để kéo dài hiệp ước và nói rằng các cam kết dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga đã không được thực hiện.

Không có tàu mới nào được đăng ký đi / đến Ukraine kể từ ngày 26 tháng 6 và thời hạn thỏa thuận sắp kết thúc Ukraine đang vận chuyển khoảng một nửa số ngô và lúa mì trước chiến tranh. Những nước khác như Brazil, đã tăng cường nguồn cung. Nhưng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu còn lâu mới kết thúc. Theo Liên Hợp Quốc, vào năm 2022, một con số kỷ lục người đã phải trải qua nạn đói cấp tính, và dự trữ lúa mì và ngô toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Tuần 17-21/7: Các Bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau,   dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc đến Anh được công bố và các công ty ồ ạt ra BCTC quý 2 là tâm điểm của toàn cầu - Ảnh 5.

Tỷ lệ người đói ở Châu Phi và Châu Đại Dương tăng mạnh.

 

Tham khảo: Refinitiv

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tuan-17-217-cac-bo-truong-tai-chinh-g20-gap-nhau-du-lieu-kinh-te-quan-trong-tu-trung-quoc-den-anh-duoc-cong-bo-va-cac-cong-ty-o-at-ra-bctc-quy-2-la-tam-diem-cua-toan-cau-a892.html