BRICS có thể thảo luận về việc đạt được một thỏa thuận giúp tăng tỉ lệ thanh toán thương mại bằng đồng tiền của các quốc gia thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22-24/8.
Ý tưởng thành lập một đồng tiền chung hay từ chối đồng USD sẽ không được thảo luận. Điều này đã được Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal xác nhận hồi giữa tháng 8.
Theo ông Sooklal, “phi đô la hóa” không nằm trong chương trình nghị sự của khối. Thay vào đó, các quốc gia BRICS sẽ thảo luận về việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ của mình trong thương mại và thiết lập một hệ thống thanh toán chung.
Xu hướng dài hạn
Các thành viên BRICS đã cố gắng giải quyết nhiều giao dịch hơn bằng đồng tiền của họ trong những năm gần đây như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giành được ảnh hưởng kinh tế và đối trọng với quyền bá chủ của đồng USD.
Ví dụ, hồi tháng 3, Brazil – quốc gia đi đầu trong việc kêu gọi phát triển một loại tiền tệ chung để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD – đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về giao dịch bằng đồng tiền của nhau, từ đó loại bỏ vai trò trung gian của đồng USD.
Thỏa thuận này cho phép Trung Quốc và Brazil thực hiện trực tiếp các giao dịch tài chính và thương mại lớn của họ, đổi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lấy đồng real của Brazil và ngược lại, thay vì thông qua đồng USD.
Bên cạnh sự hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil, việc sử dụng đồng nội tệ giữa Trung Quốc và Nga cũng đang gia tăng cùng với sự gia tăng thương mại song phương và đồng nhân dân tệ đang hiện diện nhiều hơn trong hoạt động kinh tế của Nga.
Hơn 80% thanh toán thương mại giữa Nga và Trung Quốc hiện được thực hiện bằng đồng rúp của Nga và nhân dân tệ của Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh SCO vào ngày 4/7.
Hồi tháng 6, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ, khách hàng mua dầu thô Nga lớn nhất đến từ quốc gia Nam Á, đã trở thành nhà máy lọc dầu nhà nước đầu tiên thanh toán một số giao dịch mua của Nga bằng đồng nhân dân tệ, theo Reuters.
“Việc sử dụng đồng nội tệ ngày càng tăng đã trở thành một lựa chọn thay thế rộng rãi cho đồng bạc xanh của Mỹ, đây là một xu hướng dài hạn, mặc dù ảnh hưởng của cách tiếp cận đồng nội tệ vẫn còn hạn chế ở giai đoạn hiện tại”, ông Niu Haibin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với Global Times hồi giữa tháng 8.
Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), một tổ chức cho vay do BRICS thành lập vào năm 2015, đã đặt mục tiêu tăng tỉ lệ cho vay bằng đồng nội tệ lên 30% vào năm 2026.
Mạng lưới ngày càng lớn
Các thành viên BRICS nhìn chung đã thể hiện ý định thúc đẩy “phi đô la hóa” trong thương mại của họ, nhưng quá trình này không cân bằng, đặt ra thách thức đối với đồng tiền chung tiềm năng, theo ông Niu.
“Ví dụ, hợp tác tiền tệ giữa Trung Quốc và Nga, giữa Trung Quốc và Brazil đang tăng tốc, trong khi giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại mờ nhạt”, ông lưu ý.
Không thể phủ nhận, các nền kinh tế BRICS khác nhau đáng kể về thành phần kinh tế, chính sách tiền tệ, thương mại, tăng trưởng và độ mở tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những điều đó không nên cản trở mục tiêu chung là loại bỏ đồng bạc xanh khỏi vai trò trung gian trong các giao dịch.
“Xung đột Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19 và các yếu tố địa chính trị khác đã khiến nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại về an ninh tài chính”, ông Tan Xiaofen, một chuyên gia của Trường Tài chính thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, nói.
Đồng tiền chung đang được xem xét giữa các nước BRICS có khả năng là một loại tiền dự trữ, tương tự như thỏa thuận Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Niu cho biết.
SDR không phải là một loại tiền tệ, mà là một yêu cầu trao đổi các loại tiền tệ có thể sử dụng tự do của các thành viên IMF. Việc định giá SDR dựa trên một rổ tiền tệ quốc tế bao gồm đồng USD, đồng yên Nhật Bản, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Với việc ngày càng có nhiều quốc gia thể hiện mong muốn tham gia BRICS, khối này mong muốn cung cấp các công cụ phát triển dựa trên quan hệ đối tác chặt chẽ và tăng trưởng chung, hợp tác tiền tệ “phi đô la hóa” có thể được mở rộng hơn nữa, tạo ra một mạng lưới ngày càng lớn hơn, ông Niu cho biết.
Hiện tại, các thành viên BRICS đại diện cho gần 42% dân số toàn cầu và chiếm khoảng 26% nền kinh tế toàn cầu, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông. Theo chính phủ Nam Phi, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập khối.
Minh Đức (Theo TASS, Global Times)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/neu-khong-phai-dong-tien-chung-brics-se-ban-gi-o-hoi-nghi-thuong-dinh-a9336.html