Chiều 21/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tổ chức Phiên họp lần thứ 3. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì Phiên họp.
Báo cáo tình hình tổ chức triển khai giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, để phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát, tổ giúp việc đã triển khai các công việc: Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, các đề cương báo cáo gửi UBND tỉnh, thành phố, Bộ, ngành, Tập đoàn yêu cầu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo về Đoàn giám sát (qua Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường);
Xây dựng, trình báo cáo tham khảo phục vụ Đoàn giám sát về một số vấn đề phát triển năng lượng Việt Nam; Xây dựng, trình ban hành các công văn đôn đốc các cơ quan liên quan gửi báo cáo theo đề cương, chủ động liên hệ với các địa phương gửi báo cáo chậm tiến độ để nhắc nhở việc gửi báo cáo; Xây dựng, trình ban hành văn bản yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ Đoàn giám sát.
Ông Thi cho hay, đến thời điểm hiện nay, tổ giúp việc đã nhận được báo cáo của Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 63/63 UBND tỉnh/thành phố, 63/63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, 03/03 tập đoàn kinh tế và các báo cáo bổ sung của các cơ quan phục vụ Đoàn làm việc (Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 03/03 tập đoàn kinh tế, 11/11 UBND tỉnh, thành phố).
Tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đã tập trung đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” và Kế hoạch tổ chức Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuyên đề giám sát này dự kiến vào tháng 9/2023.
Đa số các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra theo định hướng chiến lược của Đảng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.
Theo đó, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển năng lượng với các chính sách có liên quan;
Cần đề cập rõ hơn trong dự thảo Nghị quyết nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong thời gian tới, nguồn năng sạch lượng, xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá cao những ý kiến đóng gớp của các thành viên Đoàn giám sát vào dự thảo Nghị quyết Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” và Kế hoạch tổ chức Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuyên đề giám sát này dự kiến vào tháng 9/2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu các đại biểu Quốc hội, thành viên, tổ giúp việc Đoàn giám sát tiếp tục phát huy cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết bằng văn bản.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung, vấn đề, giải pháp cụ thể trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp vào tháng 9/2023.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/se-cho-y-kien-chuyen-de-giam-sat-ve-nang-luong-vao-thang-92023-a9361.html