Ngày 24/10, tại Thanh Hóa, Ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đội ngũ tư vấn pháp luật của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và Hội Luật gia một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã lắng nghe các chuyên đề tập huấn về: Kiến thức chung và kỹ năng tư vấn pháp luật; kiến thức chung và kỹ năng trợ giúp pháp lý.
Những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024; những quy định mới về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024; những điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Ông Dương Đình Khuyến - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đã chia sẻ chuyên đề về kỹ năng tư vấn pháp luật.
Ông Khuyến cho biết, hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong những năm gần đây đã từng bước phát triển và góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ pháp lý cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình và các tổ chức và cá nhân trong xã hội.
Cùng với hoạt động hành nghề luật sư, trợ giúp viên pháp lý miễn phí của các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thì tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đoàn thể là một kênh hoạt động khá hiệu quả giúp đỡ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp cận công lý ngày càng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ông Khuyến cho rằng, để đội ngũ tư vấn pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật hoạt động có hiệu quả rất cần trang bị các kỹ năng giao tiếp với khách hàng; nghiên cứu và phân tích pháp luật và kỹ năng soạn thảo hợp đồng.
Về kỹ năng tư vấn pháp luật cho người trợ giúp pháp lý, Ths. Phan Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội cho biết, xác định đối tượng người được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo…
Theo bà Trang, người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.
Về hình thức tư vấn và thời hạn tư vấn, đối với vụ việc tư vấn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý;
Đối với vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý.
Còn đối với việc tư vấn, trong trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản thì người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật ngay cho người được trợ giúp pháp lý, không lập thành hồ sơ và được thống kê thành việc trợ giúp pháp lý trong sổ thực hiện việc trợ giúp pháp lý…
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Văn Hợp - Phó Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã thông tin về nội dung và những điểm mới cơ bản của Luật Đất đai năm 2024.
Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Xây dựng thông tin chuyên đề một số chính sách mới của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 và một số luật khác.
Hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; cung cấp những kiến thức, quy định trong các luật mới được Quốc hội thông qua cho cán bộ thực hiện công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam và một số Hội Luật gia địa phương.