Để tăng cường thể lực của não và cải thiện trí nhớ ngắn hạn, bạn nên bổ sung thường xuyên những loại thực phẩm dưới đây:
1. Cá hồi: Theo báo Thanh Niên, cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ và cá thu giàu axit béo omega-3. Chúng giúp tăng cường các khớp thần kinh trong não và thúc đẩy giao tiếp giữa các tế bào. Các chất dinh dưỡng trong cá hồi góp phần giúp não tập trung và giữ thông tin.
2. Hạt ngũ cốc: Bạn nên bổ sung chế độ ăn hàng ngày bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, bắp, gạo, yến mạch... giữ cho não hoạt động khỏe mạnh. Các loại ngũ cốc nguyên chất chứa choline - chất dinh dưỡng thiết yếu có thể làm tăng sự chú ý và cải thiện trí nhớ ngắn hạn.
3. Bông cải xanh: Bông cải xanh là một nguồn chứa chất dinh dưỡng tăng cường trí nhớ như vitamin K và axit folic.
4. Việt quất: Trong loại quả này có chứa flavonoid giúp tăng cường các kết nối thần kinh trong não và kích thích tái tạo tế bào thần kinh. Hai chức năng này giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn. Quả việt quất cũng có chứa chất chống ô xy hóa, rất tốt cho não.
5. Cà phê: Uống cà phê thường xuyên có lợi cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu, uống hai tách cà phê sẽ làm giảm việc hay quên trong hơn 24 giờ. Caffeine chứa norepinephrine, đây là loại hoóc môn căng thẳng trong não giúp lưu giữ ký ức.
6.Trứng: Trứng là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày. Trong quả trứng có chứa chất cholin, đóng vai trò chính trong tín hiệu tế bào, và chất phosphatidylserine giúp cải thiện chức năng nhận thức nên giúp tăng cường trí não và giúp bạn nhớ nhiều thứ.
7. Sô cô la đen: Sô cô la là một chất tăng cường tâm trạng do có ca cao trong sô cô la, đặc biệt là sô cô la đen. Nó giúp cải thiện lưu lượng máu đến não, do đó cải thiện việc lưu giữ ký ức.
8. Cà chua: Trong quả cà chua có chứa chất chống ô xy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương của gốc tự do. Nó không chỉ cải thiện trí nhớ ngắn hạn mà còn chống lại các tổn hại của tế bào.
9. Cà rốt: Củ cà rốt chứa hàm lượng cao luteolin, một hợp chất làm giảm sự suy giảm trí nhớ do tuổi tác và chứng viêm trong não. Có rất nhiều cách để ăn nhẹ với cà rốt như ăn sống, xay sinh tố, cà rốt sấy khô hay súp cà rốt.
10. Củ nghệ: Theo báo Lao Động, củ nghệ là loại gia vị có màu vàng đậm này là thành phần chính trong bột cà ri và có một số lợi ích cho não bộ. Đặc biệt curcumin - hoạt chất trong củ nghệ, đã được chứng minh là có thể vượt qua hàng rào máu não, nghĩa là nó có thể trực tiếp đi vào não và mang lại lợi ích cho các tế bào ở đó. Đây cũng là một hợp chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh có liên quan đến các lợi ích sau cho não bộ. Curcumin có thể giúp cải thiện trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer. Ngoài ra chất curcumin tăng cường yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não, một loại hormone tăng trưởng giúp tế bào não phát triển. Nó có thể giúp trì hoãn sự suy giảm tinh thần do tuổi tác, nhưng cần phải nghiên cứu thêm.
11. Nước cam: Quả cam chứa nhiều vitamin C có thể giúp bảo vệ não của bạn chống lại tác hại của các gốc tự do, cải thiện các nhiệm vụ liên quan đến sự tập trung và trí nhớ. Mỗi ngày ăn một quả cam, bạn đã có thể nhận được gần đủ lượng vitamin C cần thiết trong một ngày. Bạn cũng có thể nhận được một lượng lớn vitamin C từ các loại thực phẩm khác như: ớt chuông, ổi, kiwi, cà chua và dâu tây.
Bộ não cũng có thể điều chỉnh hàng nghìn chức năng phức tạp như nhịp sinh học, cân bằng hoóc môn, thở, hoạt động vô thức và lưu thông máu. Nao hoạt động liên tục ngay cả khi ta ngủ. Nó cân nặng bằng 2% tổng trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ hơn 20% lượng calo mỗi ngày.
Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, giấc ngủ có tác động lớn đến não bộ, không chỉ ảnh hưởng đến mức năng lượng mà còn cả khả năng tập trung, trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, điều chỉnh cảm xúc và khả năng sáng tạo. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ đủ giấc đóng một vai trò trong việc củng cố trí nhớ, diễn ra trong giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ.
Trung bình, người lớn cần ngủ từ 7 - 9 giờ mỗi đêm là tốt nhất. Một số phương pháp để có giấc ngủ ngon hơn bao gồm:
Theo đó để có một giấc ngủ sâu cũng như gìn giữ sức khỏe, bạn hãy tuân thủ một lịch trình thường xuyên để hỗ trợ nhịp sinh học (đồng hồ sinh học). Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng, ví dụ như ngủ lúc 23h và thức lúc 7h sáng.
Nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử vào buổi tối và thay vào đó là thư giãn. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính bảng, điện thoại và máy tính có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các hoạt động nhẹ nhàng, chẳng hạn như nghe nhạc, thiền hoặc yoga… giúp cải thiện khả năng nhận thức, bao gồm sự tập trung, sáng tạo, trí nhớ và học tập. Một nghiên cứu cho thấy thiền và âm nhạc giúp tăng cường đáng kể cả chức năng ghi nhớ chủ quan và hiệu suất nhận thức khách quan ở người lớn bị suy giảm nhận thức.
Hãy cắt giảm rượu, caffein, đường và thức ăn cay, đặc biệt là gần giờ đi ngủ.
Đặc biệt trong một số nghiên cứu, việc ngủ trưa, nhất là sau khi học thông tin mới, cũng có thể giúp chúng ta ghi nhớ mọi thứ dễ dàng hơ
Trúc Chi (t/h)