Trong danh sách này có 18 sản phẩm sang thị trường Mỹ bao gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm; ghế sofa có khung gỗ; đá nhân tạo bằng thạch anh; gạch men; xe đạp điện xuất; vỏ bình ga; ghim đóng thùng; gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục; pin năng lượng mặt trời; thép carbon chống ăn mòn; ống thép hộp và ống thép tròn; cáp thép dự ứng lực; máy giặt dân dụng cỡ lớn; Thép hình cán nóng, cáp nhôm; nhôm thanh định hình và mặt bích bằng thép không gỉ.
Theo cảnh báo từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp PVTM, đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác sẽ không bị coi là lẩn tránh.
Mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại - Ảnh minh họa: VnEconomy
Đối với sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm xuất khẩu sang Mỹ, căn cứ đề nghị của các DN sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Mỹ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ, sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp PVTM và có lẩn tránh biện pháp PVTM mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc hay không. Theo kế hoạch, tháng 10/2023, DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra lẩn tránh.
Trong danh sách còn có mặt hàng ghế sofa có khung gỗ xuất khẩu sang Mỹ. Trong giai đoạn từ tháng 7/2022 – 6/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,2 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 34,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ. “Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Mỹ, tồn tại khả năng Mỹ khởi xướng điều tra PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam”, Bộ Công Thương cảnh báo.
Ngoài ra, danh sách cảnh báo còn có tên mặt hàng đá nhân tạo bằng thạch anh sang Mỹ. Trước đó, Mỹ đã quy định các DN nhập khẩu sản phẩm lắp ghép sử dụng mặt đá thạch anh có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ như tủ bếp, tủ nhà tắm,… cần khai báo riêng phần giá trị của đá thạch anh và nộp thuế CBPG và CTC tính trên cơ sở phần giá trị này.
“Các DN xuất khẩu các sản phẩm có sử dụng mặt đá thạch anh, cần lưu ý với các đối tác nhập khẩu để khai báo chính xác khi nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan Mỹ, tránh bị xem là hành vi lẩn tránh biện pháp CBPG và CTC theo quy định của pháp luật Mỹ”, Bộ Công Thương lưu ý.
Đối với mặt hàng gạch men xuất khẩu sang Mỹ, Bộ Công Thương dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới, trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh vì bị áp thuế CBPG và CTC. Vì vậy, cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp PVTM đối với mặt hàng này.
Đây là những mặt hàng có rủi ro bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các DN xuất khẩu sang Mỹ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm.