8 tháng xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, sắp vượt qua thời kỳ "ảm đạm"

Admin

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng đầu năm đạt 26,1 tỷ USD. Theo đó, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, đạt 40 tỷ USD trong năm nay.

Ngành dệt may hoàn thành 65% mục tiêu

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 8/2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Từ thống kê cho thấy tất cả mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt 20,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ và chiếm 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng đầu năm.

Xu hướng thị trường - 8 tháng xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, sắp vượt qua thời kỳ 'ảm đạm'

Ảnh minh họa.

Dự báo xuất khẩu dệt may sắp bước qua thời kỳ "ảm đạm"

Theo Mekongasean, trước đó tại cuộc họp chuyên đề tháng 8 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau 7 tháng đầu năm, chỉ có xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 3% so với cùng kỳ khi đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản sẽ tiếp đà tăng của nửa đầu năm, thế nhưng có thể chịu ảnh hưởng của việc giảm giá 5-7% vì đồng Yên tiếp tục mất giá theo dự báo của JP Morgan.

Đặc biệt, các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, và Hàn Quốc đều giảm lần lượt 10%, 24% và 8% so với cùng kỳ. Dù thị trường Trung Quốc có tháng 7 ghi nhận tăng trưởng tốt, tuy nhiên vẫn giảm 10% khi tính tổng 7 tháng so với năm ngoái.

Tuy nhiên theo Vinatex, lực cầu thấp của ngành dệt may có thể kéo dài sang năm sau. Những tháng cuối năm nay, thị trường chưa có động lực tăng với tổng cầu có thể chỉ tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội vào cuối năm.

Thông tin trên TC Công Thương, dù sụt giảm tổng cầu được dự báo sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam đến đầu năm 2024, số liệu cho thấy đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng ngành dệt may sẽ phục hồi trong những tháng tới.

Sau chuỗi giảm kéo dài dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.

Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.

Năm nay, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 39-40 tỷ USD vào cuối năm nay. Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp phải có giải pháp ổn định lực lượng lao động, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác, đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí, theo báo Đầu Tư.

Theo báo Chính phủ, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023 và để ngành dệt may phát triển bền vững, Vitas đưa ra 5 nhóm giải pháp.

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu giải quyết phần cung thiếu hụt của ngành.

- Xây dựng các giải pháp bán hàng Fob, ODM…

- Xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế của toàn cầu.

- Đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.

- Chú trọng đào tạo nguồn lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Trúc Chi (t/h)