Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 3 năm 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu trong 15 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định hoặc thả nổi tuỳ thuộc theo nhu cầu của thị trường.
Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức đáp ứng quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo ACB, mục đích phát hành trái phiếu là phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, HĐQT ACB cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 và lần 2 năm 2024 với quy mô phát hành tối đa mỗi đợt là 15.000 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ phát hành lượng trái phiếu lên tới 45.000 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến đầu tháng 10, ACB đã phát hành thành công 12 lô trái phiếu ra thị trường với tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Qua đó đưa ACB trở thành đơn vị phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất thị trường. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 18.900 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023.
Không chỉ ACB, nhiều ngân hàng khác cũng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong những tháng gần đây.
Theo dữ liệu của Chứng khoán MB (MBS), tổng giá trị TPDN phát hành thành công trong tháng 9 của ngành ngân hàng ước đạt khoảng 60.000 tỷ đồng. Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng 9 bao gồm: Techcombank (2.700 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5%), OCB (2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5.5%), VietinBank (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%).
Lũy kế từ đầu năm, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu nhiều nhất với khoảng 245.400 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ 2023 và chiếm tỷ trọng 74% toàn thị trường, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,3 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (29.800 tỷ đồng), Techcombank (26.700 tỷ đồng), OCB (24.700 tỷ đồng)
“Việc các NHTM đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi”, MBS cho biết.
MBScũng cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới hết quý 3, tín dụng tăng 8,53%, cao hơn so với mức 6,24% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Trong báo cáo thị trường trái phiếu gần đây, FiinRatings cũng dự báo rằng nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN ) của doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dung (TCTD) sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng, các TCTD sẽ cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Do đó, hoạt động phát hành TPDN của các TCTD sẽ bận rộn hơn trong thời gian tới.
“Tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm của NHNN”- FiinRatings nhận định.