Ấn Độ áp lệnh cấm, giá 1 mặt hàng trên toàn cầu do Việt Nam và nước láng giềng định đoạt?

Admin

Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ để lại thiếu hụt nguồn cung gạo trên toàn thế giới.

Ấn Độ áp lệnh cấm, giá 1 mặt hàng trên toàn cầu do Việt Nam và nước láng giềng định đoạt? - Ảnh 1.

Ảnh: The economist

Giá gạo chạm mốc kỷ lục

Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ Farm Angel (công ty chuyên về giải pháp nông nghiệp đặt tại Việt Nam) - vốn xử lý tới hàng nghìn tấn gạo mỗi năm - không thu mua lúa gạo từ nông dân Việt Nam vào tháng trước sau khi giá cả của loại nông sản này tăng vọt do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Kể từ khi New Delhi ngừng chuyển các lô gạo không phải gạo basmati (một loại gạo của Ấn Độ) và thời tiết khô hạn đe dọa tới sản lượng của Thái Lan, giá gạo châu Á đã tăng kỷ lục - chạm mốc cao nhất trong gần 15 năm.

Bloomberg dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết, với mức giá gần 650 USD/tấn, gạo Thái tiêu chuẩn 5% tấm chưa bao giờ có giá cao như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi tháng 10/2008.

Trong khi đó, tại Việt Nam - nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, giới thương nhân dự đoán rằng giá gạo chất lượng cao có thể sớm lên đến mức 700 USD/tấn sau khi giá gạo 5% tấm chạm mốc 550-575USD/tấn.

"Tình trạng tăng giá nhiều khả năng sẽ tiếp diễn bởi các nước phụ thuộc vào nhập khẩu gạo như Philippines và Indonesia đang cố gắng tích trữ", Vivek Sharma - đồng sáng lập Farm Angel nhấn mạnh, "Bầu cử đã đến gần nên Indonesia không thể mạo hiểm được".

Reuters dẫn số liệu cho biết, kể từ khi Ấn Độ áp lệnh cấm, giá gạo ở các trung tâm xuất khẩu gạo Việt Nam, Thái Lan đã tăng gần 20%. Các đơn vị xuất khẩu từ cả hai nước đều đang thúc đẩy thương thảo để tăng giá đối với các hợp đồng mua bán cho khoảng nửa triệu tấn gạo dự kiến sẽ được chuyển đi trong tháng này.

Năm nay, sản lượng gạo của châu Á cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Trong khi các đợt sóng nhiệt do El Nino thúc đẩy hoành hành khắp khu vực, hiện tượng khiến thời tiết trở nên khô nóng hơn đã tác động tới vụ mùa và làm giảm sản lượng.

Chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm tới 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Thế nhưng lệnh cấm mà nước này đưa ra mới đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới 12% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

"Gần 12% là một mức sụt giảm tiềm tàng đáng kể so với thông thường", Paul Hughes - nhà kinh tế học nông nghiệp tại công ty chuyên về dữ liệu S&P Global Commodity Insights - nhận định, "Mặc dù còn phải theo dõi mới biết được có xảy ra thiếu hụt hay không nhưng lệnh cấm kiểu này làm nguy cơ gia tăng".

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà buôn chủ yếu có thể dựa vào kho dự trữ để duy trì nguồn cung nhưng một số nước đang tiến hành các biện pháp để đề phòng xảy ra các tình huống bất ngờ trong tương lai.

Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký chỉ thị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia bằng cách cân đối các nguồn cung lúa gạo giữa nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Giá gạo toàn cầu do Việt Nam, Thái Lan định đoạt?

Các nhà kinh tế học nhận định Thái Lan và Việt Nam, các nước đứng thứ hai và thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, có thể bù đắp phần nào thiếu hụt nhưng sẽ tương đối chật vật để "lấp chỗ trống" mà Ấn Độ để lại.

SCMP cho rằng, hiện tượng giá gạo tăng cao nhiều khả năng sẽ mang lại lợi ích tức thời cho các vựa gạo lớn, bên trung gian và các đơn vị xuất khẩu nhưng lại tác động tiêu cực tới người tiêu dùng và tiểu nông.

Ấn Độ áp lệnh cấm, giá 1 mặt hàng trên toàn cầu do Việt Nam và nước láng giềng định đoạt? - Ảnh 2.

Giá gạo tăng cao kỷ lục. Ảnh: Reuters

Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng 20% khi nước này dự tính đưa khoảng 8 triệu tấn ra thị trường thế giới vào năm nay, bù đắp thiếu hụt do Ấn Độ để lại.

Tuy nhiên, trên khắp các khu vực trồng lúa trọng yếu của Thái Lan - nơi 1 kg gạo hiện có giá khoảng 11 baht (tương đương 7,5 nghìn đồng) - người nông dân đang đón nhận một tình huống bất ngờ không mong muốn sau nhiều năm giá ở mức thấp.

"Thường thì tăng giá là tốt nhưng giá đã giảm quá nhiều trong vài năm trở lại đây nên người nông dân phải bán lượng gạo tích trữ của họ để trả nợ và không còn dư để đưa ra thị trường", Bualin Komkla - chủ tịch một hợp tác xã lúa gạo ở Surin, Thái Lan - cho biết.

"Trên thực tế, một số gia đình đã bán toàn bộ lượng gạo dự trữ cùng số gạo vụ mùa mới và cần phải mua gạo để phục vụ nhu cầu gia đình - vì vậy giá gạo tăng làm họ tổn thất. Bên duy nhất được lợi là những vựa gạo lớn với kho dự trữ dồi dào".

Ngoài ra, ông Komkla cho hay, nông dân Thái Lan cũng đang tính tới khả năng thu hoạch bị ảnh hưởng bởi nguy cơ hạn hán.

Theo cơ quan khí tượng Thái Lan, các khu vực trồng lúa trọng điểm của nước này có thể sẽ gặp phải tình trạng lượng mưa giảm tới 40% trong năm nay. Sản lượng gạo trong nước được dự báo sẽ thấp hơn 5% vì nguyên nhân kể trên.

"Gạo Thái đúng là một trong những lựa chọn khả quan nhưng vẫn không thể bù đắp được toàn bộ thiếu hụt do Ấn Độ để lại", một bên trung gian chia sẻ với SCMP. Nguồn tin này cho rằng, Bangkok cùng lắm cũng chỉ cung cấp được thêm 1 triệu tấn gạo.

Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo, trong khi cả Việt Nam và Thái Lan gộp lại mới đưa ra thị trường được gần 15 triệu tấn.

"Từ thời điểm này, giá gạo chủ yếu sẽ được định đoạt bởi năng lực bù đắp thiếu hụt của Việt Nam và Thái Lan" , ông Hughes đánh giá. Ông cũng cho biết, mức độ nghiêm trọng của tình trạng El Nino năm nay sẽ là một yếu tố chủ chốt để quyết định cung - cầu.

Hơn 90% lượng gạo thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, quy mô sản xuất của khu vực đóng vai trò sống còn trong việc đảm bảo nhu cầu của toàn thế giới.