An toàn hơn trong giao dịch trực tuyến bằng đối chiếu thông tin sinh trắc học

Admin

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử là cá nhân chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu thông tin sinh trắc học. Thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm là cách để bảo vệ “Ví tiền” của mình an toàn hơn.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử là cá nhân chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu thông tin sinh trắc học. Thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm là cách để bảo vệ “Ví tiền” của mình an toàn hơn.

Lừa đảo và gian lận trên không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn. Không chỉ tại Việt Nam mà thực trạng này đã trở nên báo động trên toàn thế giới, ngay cả tại những nước có nền kinh tế phát triển.

Theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang của Hoa kỳ (Federal Trade Commission - FTC), đã có 2,6 triệu báo cáo về gian lận, lừa đảo thanh toán vào năm 2023, với tổng thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, theo thông tin của Bộ Công an công bố tại hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức ngày 13/5/2024, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng năm 2023 khoảng từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng.

An toàn hơn trong giao dịch trực tuyến bằng đối chiếu thông tin sinh trắc học- Ảnh 1.

Hình minh họa

Những đổi mới, tiến bộ công nghệ thanh toán thời gian qua một mặt giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện nhưng mặt khác cũng có thể dẫn tới sự “đánh đổi” về an ninh, an toàn dịch vụ, nhất là khi khách hàng không được phòng bị tốt kiến thức, kỹ năng giao dịch an toàn và có lớp “phòng thủ” công nghệ hỗ trợ đắc lực hơn. Để tìm sự cân bằng giữa nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, bảo mật dịch vụ là bài toán khó nhưng cần phải “giải”, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp có sự dịch chuyển mạnh và nhanh trên môi trường số và các tác nhân xấu, tội phạm công nghệ cũng có sự chuyển hướng tương tự.

Để bảo vệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng tốt hơn trước tình trạng lừa đảo, gian lận qua mạng, mà vẫn tối ưu “trải nghiệm” người dùng dịch vụ, lãnh đạo NHNN đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ, đúng đắn là triển khai áp dụng đối chiếu thông tin sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định các giao dịch thanh toán trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần, từ 20 triệu đồng/ngày phải được đối chiếu thông tin bằng thông tin sinh trắc học, có hiệu lực từ 1/7/2024.

Chỉ sau 1 tháng triển khai, Quyết định 2345/QĐ-NHNN đã khẳng định là quyết định đúng đắn thể hiện qua những con số “biết nói”. Chỉ trong tháng 8/2024, số vụ việc gian lận trên toàn ngành ngân hàng được ghi nhận chỉ còn 700 vụ việc, giảm 50% so với trung bình của 7 tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo, gian lận được sử dụng trong tháng 8 chỉ còn khoảng 682 tài khoản, giảm khoảng 72% so với số lượng trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Còn sau hơn 3 tháng triển khai, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo, gian lận trong tháng 8 và tháng 9. Việc áp dụng quy định này đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo chính chủ khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử; nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản, thẻ, ví mua, bán, thuê, mượn của các đối tượng lừa đảo.

Tiếp theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành hàng loạt các Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử (Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN, Thông tư 40/20024/TT-NHNN). Một trong các điểm mấu chốt của 3 Thông tư này là nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng trước hành vi gian lận, lừa đảo. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử là cá nhân phải đối chiếu thông tin thông tin sinh trắc học để thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử.

Có thể thấy, các quy định này có điểm chung là nhằm kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản, chủ thẻ, chủ ví để đảm bảo các “ví tiền” này được mở và sử dụng bởi chính chủ, góp phần hạn chế việc tội phạm sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo, không chính chủ để mở và thực hiện giao dịch qua tài khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng. Các quy định này cũng nhằm bảo đảm tính pháp lý của giấy tờ tùy thân của khách hàng, nâng cao trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng như của khách hàng trong việc quản lý rủi ro về thông tin cá nhân và đảm bảo an ninh, bảo mật trong quá trình sử dụng các “ví tiền” trực tuyến.

Rõ ràng là, khi các mối đe dọa từ tội phạm mạng và các hành vi lừa đảo ngày càng gia tăng, việc bảo vệ “Ví tiền” trên không gian mạng là điều tối quan trọng. Đây là lúc đối chiếu thông tin đóng vai trò là phương thức đáng tin cậy và hiệu quả, là “bức tường thành” để xác minh “chính chủ” và ngăn chặn việc truy cập trái phép vào tài sản của bạn, cung cấp một lớp bảo vệ không thể thiếu để giảm thiểu rủi ro liên quan đến các hoạt động gian lận, mang lại sự yên tâm cho chính chủ tài khoản, chủ thẻ.

Bằng cách xác minh quyền sở hữu và tính hợp pháp của tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử trên không gian mạng, “bức tường thành” này có thể giảm thiểu rõ rệt nguy cơ xâm nhập trái phép và thiệt hại tài chính cho khách hàng. Những con số về vụ việc gian lận được ghi nhận trong tháng 8/2024 vừa qua đã minh chứng cho hiệu quả của chính sách đối chiếu thông tin sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến.

Các chính sách mới tại Thông tư 17, Thông tư 18 và Thông tư 40 trên đây thể hiện sự nhất quán của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật công nghệ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên không gian mạng. Sau ngày 1/1/2025, nếu chưa thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học hoặc điện thoại chưa có giao tiếp trường gần (NFC) thì khách hàng có thể đến thực hiện giao dịch tại quầy, được nhân viên hỗ trợ để giao dịch trực tuyến bình thường.

Trước những rủi ro, lừa đảo trên không gian mạng gia tăng và khó lường, khách hàng nên ý thức việc bảo vệ mình bằng cách chuẩn bị sớm, thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học và cập nhật căn cước công dân gắn chíp trước thời điểm ngày 1/1/2025 để tuân thủ quy định tại Thông tư 17, Thông tư 18 và Thông tư 40; đồng thời cũng tránh phải chờ đợi do dịch vụ online có thể bị gián đoạn. Khách hàng có thể cập nhật tự động bằng phần mềm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc liên hệ với nhân viên của tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc ra quầy để được hỗ trợ trực tiếp, đảm bảo giao dịch trực tuyến của tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử của mình không bị gián đoạn.

Tóm lại, đối chiếu thông tin sinh trắc học là một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác và bảo mật trong ngành ngân hàng. Hơn ai hết, khách hàng cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi tài sản của mình, đơn giản chỉ là cập nhật căn cước công dân gắn chíp và đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm trước thời điểm ngày 1/1/2025, giúp bảo vệ tài sản của mình an toàn hơn.