Áp lực vĩ mô xoa dịu nỗi lo nguồn cung, giá dầu khó leo thang

Admin

Tháng 7 đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu thô thế giới. Trong khi rủi ro về nguồn cung đẩy giá dầu lên cao, khả năng nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng hạn chế trong bối cảnh lãi suất cao có thể là lực cản đối với xu hướng tăng giá hiện nay.

Giá dầu tiếp tục chuỗi tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 tới nay. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính từ đầu tháng 7, giá WTI đã hồi phục 11,73% lên 78,78 USD/thùng, giá dầu thô Brent đã hồi phục 9,96% lên 82,92 USD/thùng, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2022.

Áp lực vĩ mô xoa dịu nỗi lo nguồn cung, giá dầu khó leo thang - Ảnh 2.

Mối lo về cán cân cung cầu

Động lực chính thu hút sức mua về thị trường dầu thô là những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thực hiện các cam kết cắt giảm sản lượng.

Theo số liệu theo dõi tàu của Bloomberg, Nga đang tôn trọng cam kết cắt giảm cùng các đồng minh trong OPEC+, phản ánh qua việc dòng chảy dầu thô bằng đường biển của Nga từ các cảng Baltic và tại khu vực Biển Đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng.

Các chuyến hàng từ các cảng Primorsk, Ust-Luga và Novorossiysk đã giảm xuống còn 1,17 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 23/7, giảm 625.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Theo các chuyên gia phân tích, đây cũng là thời điểm để Nga cắt giảm các chuyến hàng xuất khẩu, và đẩy mạnh cung cấp nhiên liệu cho thị trường nội địa khi các hoạt động lọc dầu trong nước phục hồi.

Báo cáo tháng của OPEC cũng cho thấy sản lượng dầu của Saudi Arabia trong hai tháng 5 và 6 đều đã giảm về mức 9,9 triệu thùng/ngày, thấp hơn 6% so với mức trung bình 10,5 triệu thùng của năm 2022. Đáng chú ý, quốc gia này cũng đang thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện bổ sung trong tháng 7 và 8 còn khoảng 9 triệu thùng, thấp hơn khoảng 10% sản lượng hiện nay.

Động thái này, kết hợp với việc Saudi Arabia tăng giá bán dầu thô cho các đối tác châu Á cũng là một nguyên nhân khác khiến cho giá dầu duy trì được đà tăng liên tục trong ư tháng 7.

Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, triển vọng tiêu thụ dần khởi sắc trở lại cũng là một yếu tố khác thúc đẩy đà tăng của giá dầu thô. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 3% - tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 4/2024.

Áp lực vĩ mô xoa dịu nỗi lo nguồn cung, giá dầu khó leo thang - Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết, giá dầu vốn nhạy cảm với các các tin tức về nguồn cung, cũng như những thông tin về tăng trưởng kinh tế, nên dù chưa lạc quan về triển vọng giá dầu trong dài hạn, nhưng diễn biến giá gần đây cũng cho thấy thị trường đã bớt bi quan nhiều so với giai đoạn trước tháng 6.

Nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn đang gia tăng tại các nền kinh tế lớn. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng dầu kỷ lục trong nửa đầu năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan nước này, Trung Quốc nhập khẩu 11,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15,3% so với mức trước đại dịch Covid-19. Nga hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất với 2,57 triệu thùng/ngày.

Tại Mỹ, Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tiêu thụ dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ đạt 21,28 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 21/07. Mức tiêu thụ này cao hơn gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng gặp lực cản từ các chính sách tiền tệ

Giá dầu mặc dù đã phục hồi trong nhiều tuần liên tiếp, nhưng vẫn đang nằm trong xu hướng đi ngang từ đầu năm tới nay, từ 65 – 80 USD với giá dầu WTI và từ 70 – 87 USD với giá dầu thô Brent. Sức mua chưa đủ áp đảo để giúp cho giá dầu bứt phá, bởi thị trường vẫn lo ngại rằng nhu cầu có thể suy yếu vì rủi ro kinh tế vĩ mô dưới tác động của của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tại cuộc họp kết thúc vào đêm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất điều hành lên 5,25 – 5,50%. Đáng chú ý, đây cũng là mức lãi suất cao nhất trong vòng 22 năm. Động thái này bày tỏ sự quyết tâm của Fed đối với việc kiềm chế lạm phát.

Trong cuộc họp báo sau buổi họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn đưa ra những phát biểu mang tính thận trọng về hướng đi sắp tới cho chính sách tiền tệ của Mỹ, và để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 9.

Áp lực lãi suất cao sẽ gây ra những khó khăn đối với nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên, do kỳ vọng của thị trường về việc lạm phát hạ nhiệt sẽ khiến Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất năm nay làm cho đồng USD hạ nhiệt. Vì thế, ngay cả khi Fed tăng lãi suất, sức ép về tỷ giá sẽ không lớn như giai đoạn trước đây. Bên cạnh đó, động thái này của Fed có thể khiến cho giá dầu không tăng quá mạnh, mà vẫn duy trì trong khoảng đi ngang, ông Quang Anh đánh giá.

Tại Việt Nam, trong kỳ điều hành giá xăng dầu mới nhất vào ngày 21/7, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng E5RON92 và xăng RON95-III lên lần lượt là có mức 21.639 đồng/lít và 22.792 đồng/lít, tăng 1.295 đồng/lít. Các mặt hàng dầu khác như Dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut đồng loạt được điều chỉnh tăng.

Áp lực vĩ mô xoa dịu nỗi lo nguồn cung, giá dầu khó leo thang - Ảnh 4.

Giá nhiên liệu trong nước tăng trở lại trong hai kỳ gần đây, nhưng vẫn thấp hơn so với mức cao nhất vào đầu tháng 5 vừa qua. Đồng thời, xu hướng giá xăng trong nước vẫn đang được duy trì ổn định, nhờ cơ chế điều chỉnh linh hoạt của các cơ quan điều hành.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ đạo, “trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn nguồn cung xăng dầu để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội”.

Trong nước, nguồn cung xăng dầu từ 2 nhà máy (Bình Sơn và Nghi Sơn) cũng khá ổn định về sản lượng; đã có nhiều nỗ lực trong vận hành, khai thác vượt công suất để cung ứng ra thị trường với sản lượng đã cam kết. Trong giai đoạn tới, nỗ lực duy trì bám sát những biến động về mặt nguồn cung, điều kiện vĩ mô thế giới, cùng với việc điều hành hợp lý giá cả sẽ đem lại kỳ vọng ổn định cho thị trường xăng dầu trong nước.