Theo Cục Khí tượng Australia, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc trong mùa đông năm 2023 đã tăng cao hơn 1,53 độ C so với mức trung bình dài hạn và là mức cao nhất trong hơn 100 năm qua, kể từ khi Australia bắt đầu thành lập cơ quan chuyên môn nghiên cứu và giám sát thời tiết vào năm 1910. Kỷ lục trước đó được Australia ghi nhận là mức tăng 1,46 độ C vào năm 1996.
Các số liệu thống kê của Cục Khí tưởng Australia được tính toán dựa trên cách tính nhiệt độ trung bình tối thiểu và tối đa của 112 trạm thời tiết, trải đều trên khắp lãnh thổ Australia từ đầu năm đến nay. Riêng đối với mùa đông năm 2023, số liệu được tính từ ngày 01/6 tới ngày 31/8. Theo đó, sự gia tăng nhiệt độ cao kỷ lục trong vài tháng qua đã ghi dấu chuỗi mùa đông ấm trên mức trung bình 11 năm liên tiếp tại Australia.
Đối với các bang New South Wales, Queensland và Tasmania, đây là mùa đông ấm nhất được ghi nhận, trong khi đối với Victoria và Nam Australia, đây là mùa đông ấm thứ hai. Sự khác biệt lớn nhất so với bình thường là ở miền Nam bang Queensland, nơi mùa đông năm nay có nhiệt độ cao hơn mức trung bình tới 3 độ C. Một số vùng núi cao tại Australia đo được độ sâu lớp phủ tuyết thấp nhất trong 50 năm, trong khi dãy núi Blue Mountains phía tây Sydney trải qua mùa đông đầu tiên không có một đợt tuyết rơi nào trong 100 năm qua.
Không chỉ nhiệt độ tăng, lượng mưa cũng thấp hơn 4,2% so với mức trung bình dài hạn, khi tính trung bình trong cả nước. Lượng mưa tại các khu vực cũng có sự thay đổi tương đối đáng lưu ý khi các vùng Bờ biển phía Nam bang New South Wales và ở một khu vực nhỏ phía bắc Perth giảm đi đáng kể, trong khi lượng mưa mùa đông cao hơn nhiều so với mức trung bình ở phần lớn miền bắc Australia do dải mây mùa khô hiếm gặp vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Trong khi đó, ngày 1/9, giới chức Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới - cho biết tháng 8 là tháng nóng nhất và khô nhất kể từ khi nước này bắt đầu theo dõi nhiệt độ cách đây hơn 1 thế kỷ, cho dù tháng 8 là thời điểm gió mùa - vốn mang lại 80% lượng mưa của nước này hàng năm. Tuy nhiên, bất chấp những trận mưa lớn gây lũ lụt chết người ở miền Bắc hồi đầu tháng, tổng lượng mưa của Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình.
Cụ thể, theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD), lượng mưa trung bình trong tháng 8 vừa qua tại nước này chỉ đạt 161,7 mm, thấp hơn 30,1 mm so với mức thấp kỷ lục ghi nhận hồi tháng 8/2005. IMD cho rằng việc thiếu các đợt mưa lớn và gió mùa yếu là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ liên tiếp hứng chịu nắng nóng.
Cùng ngày, Nhật Bản cũng thông báo nước này trải qua mùa Hè nóng nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1898. Theo Cơ quan Thời tiết Nhật Bản, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua "cao hơn đáng kể" so với mức trung bình tại miền Bắc, miền Đông và miền Tây nước này. Nhiều khu vực ở Nhật Bản ghi nhận không chỉ mức nhiệt cao nhất mà còn cả mức nhiệt thấp nhất.
Năm 2023, Trái Đất chịu tác động rõ rệt bởi tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn tới nhiệt độ toàn cầu tăng cao, với tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Lâu nay, các nhà khoa học vẫn cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới các đợt nắng nóng cực đoan hơn, kéo dài hơn, thường xuyên hơn và El Nino có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này.
Sóng nhiệt là nguyên nhân dẫn tới hàng trăm nghìn người tử vong mỗi năm. Giới chức trách Nhật Bản cho biết trong tháng 7 vừa qua, ít nhất 53 người ở nước này tử vong vì nắng nóng và khoảng gần 50.000 người phải nhập viện. Các chuyên gia cảnh báo người già, trẻ em và những người lao động ngoài trời là đối tượng dễ bị tổn thương do nắng nóng. Ngay cả một người trẻ có sức khỏe tốt cũng có thể tử vong nếu phải chịu mức nhiệt lên tới 35 độ C trong vòng 6 giờ cùng với độ ẩm 100%.
Tháng trước, cố vấn cấp cao về nắng nóng cực đoan thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc, ông John Nairn, đánh giá các đợt nắng nóng đang “trở nên nguy hiểm hơn nhiều và đây là hậu quả của tình trạng Trái Đất ấm lên nổi lên rõ và nhanh nhất. Ông cho rằng mọi người cần nâng cao nhận thức hơn về “những dấu hiệu cảnh báo trên” khi chúng xảy ra ngày một nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
Nhiệt độ tăng cao cũng đã xảy ra tại các nước châu Âu và châu Mỹ, từ Hy Lạp đến Canada, kéo theo các vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Minh Hoa (t/h theo VOV, báo Tin Tức)